Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/01/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Vốn thực hiện của dự án FDI những ngày đầu năm 2021 ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ do tháng 01/2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư đăng ký tháng 01/2021 sẽ tăng 51,7% so với cùng kỳ.
Về vốn điều chỉnh, có 46 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 40,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 472,2 triệu USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư FDI, giảm 78,1% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 220,8 triệu USD, giảm 58,7% so với cùng kỳ.
Vốn FDI rót vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,54 tỷ USD, chiếm 76,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 179 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực vận tải kho bãi, nông lâm nghiệp thủy sản với tổng vốn đăng ký gần 111,9 triệu USD và 60,4 triệu USD.
Theo đối tác đầu tư, đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 680,7 triệu USD, chiếm 33,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 618 triệu USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư. Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 221,3 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư.
Hoạt động đầu tư FDI tại Việt Nam những ngày đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Trung Quốc, tạo sự cạnh tranh gay gắt trên lĩnh vực này.
Báo Đầu tư cho biết, ngược chiều thế giới, FD) vào Trung Quốc vẫn tăng trong năm 2020 và điều này cho thấy, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt.
Các con số vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố không khỏi khiến dư luận bất ngờ. Trái ngược với dự đoán rằng, vốn FDI sẽ rút khỏi Trung Quốc, thì thực tế, trong năm 2020, Trung Quốc vẫn đứng đầu về thu hút FDI.
Cụ thể, năm qua, vốn FDI vào Trung Quốc đã tăng 4%, lên mức 163 tỷ USD, đưa quốc gia này vượt cả Mỹ trong bảng xếp hạng các quốc gia nhận nhiều FDI nhất.
Trung Quốc lâu nay vẫn là một trong những nước nhận FDI nhiều nhất toàn cầu. Nhưng việc FDI tăng tốc vào Trung Quốc trong năm 2020 là điều rất đáng chú ý.
Theo báo cáo của UNCTAD, FDI toàn cầu năm 2020 đã giảm tới 42%, còn 859 tỷ USD so với mức 1.500 tỷ USD năm 2019.
Rõ ràng, FDI toàn cầu đang sụt giảm mạnh, nhưng FDI vào Trung Quốc lại đi ngược chiều thế giới. Chưa kể, còn một bối cảnh đặc biệt khác: khi Covid-19 bùng phát, lo ngại về sự phụ thuộc vào một chuỗi cung ứng, nhiều tập đoàn đã bắt đầu dịch chuyển chuỗi cung ứng, thậm chí, nhiều quốc gia đã tìm mọi cách khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia về nước đầu tư.
Đồng thời, FDI vào Trung Quốc vẫn tăng cũng chứng minh một điều rằng, dòng FDI sẽ chưa chuyển ngay ra khỏi Trung Quốc, mà đang tái cơ cấu theo hướng “Trung Quốc+1”.
Dòng FDI sẽ chưa chuyển ngay ra khỏi Trung Quốc, mà đang tái cơ cấu
theo hướng “Trung Quốc+1”
Trên thực tế, ngay từ đầu, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nhận định rằng, dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ khó có thể xảy ra trong ngắn hạn. Thậm chí, ông Doug Barry, người phát ngôn của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cũng đã từng cho rằng, đa dạng hóa nguồn cung ứng là hợp lý, nhất là sau Covid-19, nhưng “rời hẳn Trung Quốc thì không”.
Có quá nhiều lý do để giải thích cho nhận định trên. Trước hết, Trung Quốc vẫn có những lợi thế vượt trội so với các nước đang phát triển, như hệ thống chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao, mức thuế quan thấp, hệ thống logistics tích hợp sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu…
Chưa kể, mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc có tính gắn kết, phụ thuộc rất cao, thậm chí là “không thể tách rời”. Do đó, nếu dịch chuyển, nhà đầu tư có thể sẽ phải tính toán những chi phí cơ hội không nhỏ. Thêm nữa, bản thân Trung Quốc cũng đã có những “phản ứng chính sách” rất nhanh để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng việc FDI vào Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong năm 2020 cho thấy rằng, cạnh tranh thu hút FDI thực sự không hề đơn giản. Và Việt Nam không dễ để thay thế Trung Quốc, trở thành “công xưởng” của thế giới.
Cuối năm ngoái, tờ Wall Street Journal đã gây chú ý khi có một bài báo khẳng định rằng, phải mất nhiều năm để Việt Nam và các khu vực sản xuất khác đủ khả năng thay thế Trung Quốc. Còn Brand Finance, Economist Intelligence Unit dù mới đây đều đưa ra các báo cáo khẳng định, Việt Nam sẽ trở thành “thiên đường sản xuất mới” ở Đông Nam Á, rất hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ đang muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh những căng thẳng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, song cũng không quên nhấn mạnh về một trung tâm sản xuất “bên cạnh Trung Quốc”.
Tuy vậy, một cách rất rõ ràng, xu hướng các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam là có thật. Chỉ trong đầu năm nay, đã có một loạt dự án quy mô lớn đổ vào Việt Nam. Trong số đó, đáng kể nhất là dự án sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay của Foxconn tại Bắc Giang, vốn đăng ký 270 triệu USD. Chưa kể, còn dự án 200 triệu USD của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam ở Nghệ An.
FDI toàn cầu có thể phục hồi theo hình chữ U, không giống như thương mại toàn cầu và GDP được dự báo phục hồi theo hình chữ V khi bắt đầu năm 2021.
Ngay tại Bắc Giang, ngoài dự án 270 triệu USD của Foxconn, còn có 3 dự án khác cũng vừa nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là Dự án Công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hongkong) Limited; Dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và Dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore). Tổng vốn đầu tư của 3 dự án này là gần 300 triệu USD.
Ngoài ra, Luxshare cũng đang muốn tăng đầu tư vào Việt Nam; Foxconn, Hanwha… cũng vậy. Song, đúng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh, vốn FDI “không đương nhiên vào Việt Nam”. Cạnh tranh thu hút FDI sẽ ngày càng khó khăn hơn, khi Trung Quốc vẫn rất mạnh, trong khi Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển.
Hơn thế nữa, UNCTAD còn dự báo, FDI toàn cầu có thể “chạm đáy” trong năm nay, trước khi tăng trở lại vào năm 2022, với nguyên nhân vẫn xuất phát từ những yếu tố không chắc chắn về diễn biến của đại dịch Covid-19.
“Miếng bánh” không những không tăng, mà thậm chí còn nhỏ đi, khiến cạnh tranh thu hút FDI sẽ gay gắt hơn. Dù hiện tại, Việt Nam đang có nhiều lợi thế và cơ hội đón dòng đầu tư từ xu hướng “Trung Quốc +1” là có thật, song nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng, cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất mới ở Đông Nam Á có thể sẽ vuột đi…
Minh Hoa