Cơ hội “bắt tay” về dược phẩm Việt Nam - Ấn Độ


Những bước phát triển tích cực ở cả hai quốc gia đã mang lại nhiều cơ hội cho các công ty dược phẩm hai nước để định hướng lại và thích ứng với tình hình mới. Các công ty cần tập trung vào chất lượng, hiệu quả, giá cả của các sản phẩm dược, cũng như tìm hiểu các cơ hội đầu tư.

Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, trong những năm vừa qua, thị trường dược phẩm của Việt Nam đã phát triển rất nhanh với giá trị ước tính đạt 7 tỷ USD vào năm 2019. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục ở mức 8% cho đến năm 2024, các nhà máy sản xuất dược phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu dược phẩm của thị trường. Thị trường Việt Nam cũng đang nhập khẩu đến 60% nhu cầu thuốc thành phẩm và 90% hoạt dược và phần lớn các sản phẩm nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất dược. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm.

co hoi bat tay ve duoc pham viet nam an do

Theo ngài Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, dược phẩm là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam. Việt Nam hiện là thị trường tiêu thụ dược phẩm chính của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hàng năm trị giá 225 triệu đô. Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 19 trong số 25 thị trường xuất khẩu dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ. Các cơ hội mà ngành dược phẩm mang lại cho hai nước đã được ghi nhận trong Tuyên bố tầm nhìn chung Ấn Độ - Việt Nam về hòa bình, thịnh vượng và người dân được Thủ tướng hai nước thông qua tại Hội đàm cấp cao trực tuyến vào ngày 21/12/2020. Tuyên bố đã xác định tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, trong đó chăm sóc y tế toàn diện, vắc xin và dược phẩm là những vấn đề quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai nước trong những năm tới.

Ngài Pranay Verma cho biết: “Tầm nhìn về hợp tác y tế của lãnh đạo hai bên đã tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm gián đoạn hệ thống chăm sóc y tế và sự phát triển kinh tế, xã hội trên toàn thế giới”.

Được mệnh danh là “Nhà thuốc của thế giới”, Ấn Độ là nhà sản xuất thuốc gốc lớn nhất thế giới và là nước cung cấp 60% sản phẩm vắc xin trên toàn cầu. Quốc gia này có thể sản xuất nhiều loại nguyên liệu dược phẩm, đội ngũ lao động lành nghề và có nền tảng và đầu tư nhiều cho nghiên cứu và phát triển - những nhân tố cho phép Ấn Độ trở thành nhà sản xuất thuốc có chất lượng cao.

Phía Việt Nam đang tập trung khuyến khích sản xuất thuốc và dược phẩm trong nước, cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết sẽ khuyến khích các công ty dược phẩm trong nước trở thành một phần của chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu với chất lượng cao hơn và cạnh tranh hơn.

Ấn Độ cũng đang xem xét chính sách dược phẩm quốc gia mới để cải thiện chất lượng thuốc cho thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài. Theo đó, các chính sách đang được hoàn thiện để tạo môi trường cho nghiên cứu và phát triển. Ấn Độ đã cho phép đầu tư FDI lên đến 100% trong lĩnh vực dược phẩm thông qua lộ trình tự động đối với đầu tư GI và lên đến 74% đối với đầu tư BI. Hiện tại, ngành dược nằm trong số 8 ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất của Ấn Độ trong giai đoạn 2019-2020.

Theo ngài Pranay Verma, những bước phát triển tích cực này ở cả hai quốc gia đã mang lại nhiều cơ hội cho các công ty dược phẩm hai nước để định hướng lại và thích ứng với tình hình mới. Các công ty cần tập trung vào chất lượng, hiệu quả, giá cả của các sản phẩm dược, cũng như tìm hiểu các cơ hội đầu tư.

Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Gần đây, Việt Nam đã sửa đổi các quy định để doanh nghiệp Ấn Độ được tự do tham gia các gói đấu thầu cung cấp thuốc và dược phẩm cho các cơ sở y tế công lập với những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

Hải Yến

Nguồn:

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội