Kinh tế hợp tác phát triển chưa xứng tiềm năng


Theo kế hoạch dự thảo về Quyết định "Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025", đến 2025 cả nước có khoảng 134 nghìn tổ hợp tác với 1,7 triệu thành viên tổ hợp tác, 35 nghìn HTX với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp HTX với 3.000 HTX thành viên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến cuối năm 2020 cả nước có 119.248 tổ hợp tác tăng khoảng 10% so với cuối năm 2016, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.091.015 lao động. Hợp tác xã (HTX) có tốc độ tăng mạnh hơn, khoảng 33,1%, với khoảng 26.112 HTX đang hoạt động vào cuối năm 2020; trong đó số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 17.462 HTX; số HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp là 8.650 HTX. Tổng số thành viên tham gia HTX là trên 6,1 triệu thành viên.

kinh te hop tac phat trien chua xung tiem nang

Hiệu quả hoạt động của các HTX những năm gần đây ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Doanh thu bình quân của một HTX năm 2020 đạt 4.387,16 triệu đồng/HTX, gấp khoảng 1,24 lần so với năm 2016. Lãi bình quân của một HTX tăng lên 314,3 triệu đồng/HTX/năm 2020 (tăng khoảng 27,34%). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng được tăng lên từ 37,51 triệu đồng/năm năm 2016 lên 51,31 triệu đồng/năm 2020 (tăng 36,79%). Thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn so với các hộ không phải thành viên HTX khoảng 30%, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của HTX đối với nông dân.

Tuy nhiên, đánh giá của các chuyên gia và nhà quản lý cho thấy các HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, số lượng thành viên HTX giảm (- 6,2% so với năm 2016) được xem là nguyên nhân cản trở sự phát triển của các HTX, ngược với xu thế phát triển của thế giới...

Chính vì vậy, để thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo về Quyết định "Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX giai đoạn 2021-2025". Theo kế hoạch dự thảo, đến 2025 cả nước có khoảng 134 nghìn tổ hợp tác với 1,7 triệu thành viên tổ hợp tác, 35 nghìn HTX với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp HTX với 3.000 HTX thành viên. Số HTX hoạt động hiệu quả chiếm trên 70% tổng số HTX cả nước; có trên 3.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản, 35% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Việc phát triển mới HTX sẽ tập trung vào nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn, gắn kết thực hiện các chương trình, dự án của địa phương, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm ở địa phương…

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, dự thảo đề xuất các bộ, ngành, hiệp hội Trung ương và địa phương đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hàng năm. Cùng với đó là tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển KTTT, HTX với việc tổng kết 10 năm thi hành và đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật HTX năm 2012; rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các Luật liên quan (Luật Đất đai, Luật Thuế…).

Về nguồn lực, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng chủ động cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển HTX; Bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương và địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển, nhất là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất công nghệ cao.

Dự thảo cũng đề xuất việc xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế để các HTX có đủ năng lực, điều kiện được tham gia thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đầu tư công; Xây dựng và công bố sách trắng về HTX hàng năm.

Dự thảo cũng đề xuất Liên minh HTX Việt Nam hình thành mạng lưới tư vấn, hỗ trợ các HTX thành lập mới, xây dựng và quản trị sản xuất, kinh doanh; Nghiên cứu đề xuất đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Đồng thời, tiếp tục xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực quốc gia, địa phương, chương trình OCOP để nhân rộng; nâng cao năng lực hoạt động của các HTX nông nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững.

Nhất Thanh

Nguồn:

Bài liên quan

Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/1

Ngày 27/01, KBNN huy động thành công 7.496/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 75%); cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn bị bán mạnh và lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu, các chỉ số tiếp tục lao dốc. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm mạnh ...

Chứng khoán Việt Nam kỳ vọng những đỉnh cao mới

VNDIRECT đưa ra 3 kịch bản dự báo TTCK Việt Nam năm 2021. Với kịch bản tích cực, dự báo VN-Index trong khoảng 1.280-1.330 điểm khi nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường cận biên với quy mô lớn. Khối ngoại mua ròng mạnh >10.000 tỷ đồng, kèm ...

Nhượng quyền thương mại phát triển tại Việt Nam

Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, luôn chủ động và linh hoạt tìm kiếm các giải pháp, dịch chuyển mô hình kinh doanh, đa dạng hóa kênh doanh thu nhằm phân tán và hạn chế rủi ro, nắm bắt cơ hội và nhanh chóng xoay chuyển tình thế trong mọi tình ...
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội