Ngoại giao văn hóa góp phần phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam


Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung trong bài viết về những thành tựu của ngoại giao văn hóa đã khẳng định rằng, công tác đối ngoại, trong đó có ngoại giao văn hóa tiếp tục có những đóng góp thực chất, hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước trong năm 2020, phát huy sức mạnh mềm, góp phần triển khai thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

Thành công của Việt Nam trong năm 2020

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, trong năm 2020 chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy cực đoan có điều kiện phát triển khi các quốc gia có xu hướng thu lại, để dành nguồn lực đối phó với thách thức đến từ đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, cạnh tranh nước lớn, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống…

Trong môi trường quốc tế và khu vực nhiều thách thức như vậy, Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế và đối ngoại. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định năm 2020 dù khó khăn nhưng vẫn “được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua”. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay”.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước tăng lên trước hết nhờ vào nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, ổn định chính trị, cải thiện cuộc sống của nhân dân và việc thực hiện nhất quán, thành công đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, bạn bè quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam đã đảm nhiệm tốt trách nhiệm kép với vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ kép là vừa chống dịch COVID-19 và vừa phát triển kinh tế.

Nhiều báo cáo nghiên cứu về xếp hạng/đánh giá sức mạnh mềm các nước trên thế giới như Soft Power 30, Best Countries, Global Soft Power Index... sử dụng các tiêu chí như chính sách đối nội, đối ngoại, tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, sự đóng góp vào các vấn đề chung, sự phổ biến và hấp dẫn của các giá trị văn hóa, di sản… Đây đều là những thế mạnh của đất nước ta.

Tháng 11.2020, Công ty tài chính Brand Finance đã đánh giá giá trị thương hiệu của các nước năm 2020 - một chỉ số dựa trên sức mạnh tổng hợp mọi mặt của một quốc gia, cho biết giá trị thương hiệu Việt Nam tăng 29%, từ 247 tỉ USD lên 319 tỉ USD, đứng vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Đóng góp của ngoại giao văn hóa

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, thành công chung của đất nước trong năm qua có sự đóng góp của công tác đối ngoại, trong đó có công tác ngoại giao văn hóa - một trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam.

Trước hết, trong năm 2020, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài tại tất cả 94 cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước, trong đó tiêu biểu tại Ấn Độ, Triều Tiên, Nga, Pháp...

Trong nước, chúng ta đã tiến hành tổng kết, nhìn lại 10 năm triển khai công tác này và đề ra phương hướng thực hiện cho giai đoạn mới. Những lý tưởng mà Người theo đuổi về thúc đẩy hòa bình, bình đẳng giữa các dân tộc và hợp tác quốc tế vẫn mang nguyên ý nghĩa thời đại và là lý tưởng để tập hợp các lực lượng tiến bộ trên thế giới, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước bạn bè.

Đây chính là nguồn tài sản vô giá, bất tận trong việc quảng bá sinh động hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, nâng cao sức mạnh mềm Việt Nam.

Hai là, việc chống dịch hiệu quả ở trong nước đã tạo cơ sở để chúng ta triển khai các hoạt động ngoại giao văn hoá trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Chúng ta đã có nhiều hoạt động, sáng kiến, đóng góp vào việc thúc đẩy bản sắc của ASEAN, một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng, thể hiện được dấu ấn của Việt Nam.

Ba là, trong năm qua, công tác ngoại giao văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế được thực hiện ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Chúng ta đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng cử vào 3 cơ quan quan trọng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) là Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.

Bốn là, công tác di sản cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, ta đạt được số lượng hồ sơ được thông qua và số lượng hồ sơ đệ trình tổ chức UNESCO nhiều nhất từ trước tới nay với 1 Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được công nhận, 2 thành phố Vinh và thành phố Sa Đéc được vào mạng lưới các thành phố học tập của UNESCO; cùng 8 hồ sơ mới được đệ trình.

Đến nay Việt Nam tự hào là nước đứng đầu khu vực ASEAN với tổng số 21 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đây là sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào việc làm phong phú thêm, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Năm là, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh nhưng công tác ngoại giao văn hóa của cả nước được các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân và tất cả cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam chủ động, tích cực, linh hoạt triển khai...

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhận định, chúng ta đã thành công khi biến thách thức từ đại dịch COVID-19 trở thành lợi thế để quảng bá, nâng cao hình ảnh Việt Nam. Việc xác định “COVID-19 là giặc” đã khơi dậy tinh thần dân tộc - sức mạnh mềm quốc gia.

Đồng thời, chúng ta cũng đã chủ động triển khai ngoại giao COVID-19, giúp đỡ các nước về khẩu trang, y tế... Đây cũng chính là cách hành xử nhân văn, được hình thành từ lịch sử, văn hóa của dân tộc...

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội