Vissan: Lãi sau thuế quý IV tăng trưởng 43%, đạt 42 tỷ đồng bất chấp doanh thu giảm


(VNF) - Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, UPCoM: VSN) vừa công bố báo cáo tài chính quý năm 2020. Trong đó các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm 2020 đều vượt kế hoạch đề ra.

Theo đó, doanh thu thuần quý IV của Vissan đạt 1.194 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh thịt tươi sống chiếm 45% (543 tỷ đồng), doanh thu từ thực phẩm chế biến chiếm 51% (618 tỷ đồng).

Giá vốn hàng bán giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm 2019, mạnh hơn mức giảm của doanh thu kéo lợi nhuận gộp quý IV của Vissan lên gần 240 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,8%.

Biên lãi gộp được cải thiện thêm 4 điểm phần trăm (so với quý IV/2019) lên 20,07%.

Khấu trừ đi các loại chi phí cùng 2 khoản lỗ từ hoạt động tài chính và hoạt động khác, Vissan báo lãi sau thuế quý IV/2020 đạt 42,2 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 43% so với cùng kỳ, bất chấp doanh thu giảm.

Theo giải trình của Vissan, doanh thu trong quý cuối cùng của năm 2020 giảm so với quý IV/2019 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi đối với ngành tươi sống. Giá mua nguyên liệu chính đầu vào, cụ thể là giá heo hơi trong quý IV tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, nhưng doanh nghiệp này đã thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ chi phí trong sản xuất, giúp cải thiện phần nào mức lãi gộp.

Ngoài ra, trong quý IV, Vissan được hoàn nhập hơn 36 tỷ đồng chi phí thuê mặt bằng,  góp phần không nhỏ vào tăng trưởng của doanh nghiệp này.

Lũy kế năm 2020, doanh thu và lợi nhuận của Vissan lần lượt đạt 5.143 tỷ đồng và 165,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,4% và giảm 6,8% so với năm 2019.

Vào cuối tháng 11 năm 2020, ĐHCĐ Vissan đã thông qua nghị quyết điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020. Trong đó chỉ tiêu doanh thu giảm hơn 8% và giữ nguyên chỉ tiêu về lợi nhuận.

So với các chỉ tiêu đã điều chỉnh thì cả doanh thu và lợi nhuận của Vissan đều vượt kế hoạch đề ra.   

Quy mô tài sản của Vissan tính đến ngày 31/12/2020 đạt hơn 2.143 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền được cải thiện từ 413 tỷ đồng (đầu năm 2020) lên 607 tỷ đồng (cuối năm 2020). Hàng tồn kho vẫn duy trì ở mức hơn 650 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả tăng hơn 14% so với thời điểm đầu năm lên 1.017 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn là hơn 371 tỷ đồng, tăng 68% chủ yếu ở nợ vay ngắn hạn.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội