Nông sản Việt Nam rộng đường xuất khẩu


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm phục vụ hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã và đang được triển khai thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả tốt trên cả nước.
Cụ thể, đối với các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân đã có 1.150 mã số vùng trồng và 41 mã số cơ sở đóng gói được cấp. Riêng thị trường Trung Quốc, có 1.742 mã số vùng trồng cho hơn 180.000 ha và 1.840 mã số cơ sở đóng gói cho 9 loại quả tươi đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch.
Nông sản an toàn được bày bán tại siêu thị trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Quang An
Theo đó, vùng trồng được cấp mã số phải đáp ứng các yêu cầu: Nhận diện được vùng trồng (thường sử dụng hệ thống định vị GPS); áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, trong đó, chú trọng đến công tác ghi chép nhật ký canh tác để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra; theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại; thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng và các biện pháp canh tác; bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu...
Những điều này một mặt nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu, mặt khác, còn có giá trị lớn trong việc nâng cao uy tín cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chính vì vậy, những năm gần đây, các địa phương đều tập trung nguồn lực thực hiện, đồng thời tích cực tuyên truyền để nông dân, doanh nghiệp hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.
Như tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm cung cấp cho thị trường số lượng lớn trái cây phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước cho nên các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ ổn định và nâng cao chất lượng nông sản.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh ở miền Bắc đẩy nhanh quá trình cấp mã số vùng trồng cho nhiều loại trái cây đặc sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Nhờ vậy, trong năm 2020, nhiều loại quả đã được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường chất lượng với mức giá cao hơn gấp nhiều lần so với trước đây, như quả vải xuất khẩu sang Nhật Bản, nhãn xuất sang Ô-xtrây-li-a, thanh long xuất sang Mỹ... Những kết quả này đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta năm 2020 đạt mức kỷ lục 41,25 tỷ USD trong bối cảnh ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức do thiên tai, dịch bệnh.

Thời gian tới, cùng với việc tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ tháng 8/2020 và các hiệp định khác đã ký, như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), thì việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói càng được phát huy giá trị, để nông sản Việt Nam rộng cửa bước vào các thị trường lớn với mức thuế ưu đãi. Đây cũng chính là thời cơ mới cho ngành Nông nghiệp nước ta đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cho nhiều mặt hàng, tăng tốc xuất khẩu ngay từ những tháng đầu năm 2021 để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt kim ngạch 42 tỷ USD.
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội