Tăng cường phòng chống dịch khi bán hàng trực tiếp
Hội Phụ nữ Công ty Quản lý và phát triển chợ Đà Nẵng cùng các tiểu thương trong Hội Phụ nữ chợ Cồn vừa tiếp tục thực hiện chiến dịch phát khẩu trang miễn phí và tuyên truyền việc phòng chống dịch Covid-19 như thực hiện 5K, mang khẩu trang và mang khẩu trang đúng cách khi vào chợ cho các tiểu thương, khách hàng đến tham quan, mua sắm tại chợ.
Các chợ truyền thống tại TP. Đà Nẵng đang bước vào cao điểm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh chụp tại chợ Cồn |
Bà Lê Thị Tức - Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Cồn - cho biết, hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch và phát khẩu trang miễn phí đã được thực hiện nhiều lần tại chợ trong thời điểm Đà Nẵng chống dịch Covid-19. Hiện nay, dù đã đẩy lùi dịch bệnh, tuy nhiên, chợ Cồn đang bước vào cao điểm bán hàng phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán, lượng khách đến chợ tăng so với ngày thường vì vậy công tác phòng dịch càng phải tiếp tục được thực hiện nghiêm túc hơn.
Trước nguy cơ tiềm ẩn của dịch Covid-19, các tiểu thương chợ Cồn luôn tuân thủ đúng các quy định phòng chống dịch. Đặc biệt, việc mang khẩu trang đối với các tiểu thương không phải là một nghĩa vụ mà trở thành một thói quen, nề nếp mà tất cả các tiểu thương đều thực hiện. “Chúng tôi luôn hiểu và nhắc nhở nhau rằng việc mang khẩu trang là để bảo vệ cho chính bản thân, khách hàng và góp phần không để dịch Covid-19 có cơ hội bùng phát”, bà Tức chia sẻ.
Hội Phụ nữ chợ Cồn tặng khẩu trang cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng dịch Covid - 19 |
Tiểu thương Khuất Thị Hiền Quyên - Kiot 6, Đình 7, chợ Cồn cho hay, trước đây, khi mới mắt đầu thực hiện mang khẩu trang phòng dịch, nhiều tiểu thương như chị cũng cảm thấy chưa quen, đôi lúc khó chịu, nhất là lúc nắng nóng. Nhưng bây giờ, trải qua 2 lần đối mặt với dịch bệnh, quan điểm của tiểu thương về mang khẩu trang đã thay đổi. “Tiểu thương như chúng tôi mang khẩu trang hoàn toàn tự nguyện. Đây cũng là việc làm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang còn phức tạp trên thế giới. Chúng tôi mang khẩu trang như vật quan trọng để bảo vệ mình. Khách hàng của chúng tôi cũng vậy”, chị Quyên chia sẻ và cho biết thêm, ngoài việc mang khẩu trang mỗi tiểu thương đều có ý thức rửa tay diệt khuẩn thường xuyên nhiều lần trong ngày.
Thúc đẩy bán hàng đa kênh
Lượng khách đến các chợ truyền thống tại Đà Nẵng sau dịch Covid-19 đã có chiều hướng tăng trở lại. Nhất là những ngày gần đây khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Tuy nhiên, so với trung bình nhiều năm thì giao dịch mua bán tại các chợ vẫn giảm mạnh.
Chợ Hàn sau nhiều tháng đìu hiu vì không có khách giờ đây đã có phần sôi động hơn. Ông Hoàng Cung Thượng Đức - Phó Trưởng ban quản lý chợ Hàn - cho biết, Tết dương lịch vừa qua đã có nhiều đoàn khách nội địa đến chợ Hàn, đó là tín hiệu tích cực của thị trường, dù so với cùng kỳ mọi năm thì vẫn còn giảm rất mạnh.
Chợ Hàn đã có tín hiệu hoạt động tích cực trở lại dù sức mua còn yếu |
Thích ứng với khó khăn, nhiều tiểu thương tại các chợ đã thúc đẩy bán hàng đa kênh. Một mặt vừa duy trì kênh bán hàng truyền thống (offline - bán hàng trực tiếp), mặt khác, dần làm quen với việc bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo.
Cô Hồ Thị Ngọc Hà cho biết, cô vẫn mở cửa tại chợ hàng ngày. Tuy nhiên, năm nay, do dịch bệnh, lượng khách du lịch sụt giảm mạnh, vì vậy, cô đã chuyển sang bán hàng qua điện thoại, qua mạng xã hội. “Con gái cô tạo cho cô một trang bán hàng qua facebook, zalo và giúp cô đăng tải hình ảnh, giá thành”, cô Ngọc Hà cho hay và nói thêm, nhờ đa dạng phương thức bán hàng nên tổng doanh thu vẫn tạm chấp nhận được. “Nhờ vậy cô mới có tiền trang trải gia đình, có thu nhập và vẫn nộp thuế đầy đủ, điều đặn. Đáng mừng là những ngày gần Tết lượng đơn hàng tăng, dù chắc chắn thấp hơn năm trước nhưng như vậy cũng an ủi là hướng đi của mình đúng đắn”, cô Ngọc Hà nói.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, quầy hàng mắm Dì Cẩn (lô 108, chợ Hàn) cho biết, dịch Covid-19 khiến khách đến mua hàng trực tiếp tại quầy hàng có giảm, nhưng lượng đơn hàng qua điện thoại, đặt hàng thông qua website vẫn ổn định. Nhờ vậy, cơ sở làm mắm của gia đình chị vẫn “sống tốt” qua mùa dịch. “Thường khách hàng sẽ tìm hiểu thông tin qua mạng, qua website của cơ sở sau đó đặt hàng qua điện thoại. Chúng tôi sẽ nhận đơn và giao hàng đến tận nơi cho khách. Phương thức thanh toán cũng linh hoạt, có thể chuyển khoản trước hoặc nhận hàng thanh toán, vì vậy, các đơn hàng của chúng tôi vẫn đi đều đều”, chị Kim Liên chia sẻ.
Thông qua kênh bán hàng qua điện thoại, qua website, mỗi ngày, quầy hàng mắm Dì Cẩn đều đóng những thùng hàng, túi hàng để gửi đến khách hàng trong cả nước |
Không chỉ bán hàng qua mạng xã hội, nhiều tiểu thương tại một số chợ tại quận Hải Châu như chợ Mới, chợ Đống Đa, chợ Nguyễn Tri Phương còn đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử để tìm kiếm, tiếp cận thêm khách hàng.
Có mặt hàng kinh doanh là hàng may mặc (quần, áo) tham gia phiên chợ trực tuyến do Phòng Kinh tế hạ tầng quận Hải Châu tổ chức từ ngày 28/1 – 2/2 tại địa chỉ https://chophienhaichau.com, tiểu thương Nguyễn Thị Bình (lô 65 -58 Đình 1, chợ Đống Đa) kỳ vọng bà sẽ tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn, không bị bó hẹp về không gian và thời gian. “Trong thời gian tới, cô sẽ tận dụng mạng xã hội cũng như Internet để hỗ trợ việc bán hàng hiệu quả hơn song song với bán hàng trực tiếp tại quầy”, cô Bình nói.
Vũ Lê