Thời gian và niềm tin như nhau
Khi Chelsea ra quyết định sa thải Frank Lampard, có những ý kiến cho rằng, họ đã không công bằng với huấn luyện viên người Anh. Và rằng, The Blues nên dành thêm thời gian cho chiến lược gia trẻ tuổi này.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải đội chủ sân Stamford Bridge không cho Lampard thời gian, không dành cho anh sự tin tưởng. Nếu có sai, có lẽ chỉ là ông chủ Roman Abramovich đã đầu tư mạnh tay một cách quá đột ngột cho đội hình mà Lampard xây dựng.
Làm phép so sánh thì Lampard và Ole Gunnar Solskjaer ở Manchester United có thời gian làm việc không chênh nhau là mấy. Sau giai đoạn tạm quyền từ cuối năm 2018, đến ngày 28.3.2019, Solsa được bổ nhiệm chính thức ở sân Old Trafford. Trong khi đó, Lampard được dựng lên ở Chelsea từ ngày 4.7.2019. Nghĩa là, họ có trọn vẹn mùa giải 2019-20.
Có thể Solsa lợi thế hơn một chút về quãng thời gian làm tạm quyền, nhưng so về thành tích chung và thể hiện của 2 đội, Lampard lại được giới chuyên môn đánh giá cao hơn. 2 đội cùng có 66 điểm tại Premier League, cùng đứng trong Top 4 Premier League để có vé dự Champions League.
Nhưng yếu tố để giới chuyên môn đánh giá cao Lampard là mùa giải đó, Chelsea không được mua cầu thủ. Trong khi đó, Quỷ đỏ của Solskjaer chỉ khởi sắc khi mua Bruno Fernades vào tháng 1.2020.
Dù vậy, câu chuyện đặt ra là trong khi Solskjaer vẫn tiến bước trong sự bủa vây của sự nghi ngờ, chỉ trích, thậm chí là chê bai, Lampard lại chìm dần trong nhung lụa. Kết quả là huấn luyện viên 42 tuổi bị sa thải, nhận lấy “điểm trừ” đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện.
Lampard ngã ở chỗ nào?
Lampard đã ngã ở đâu dù được Chelsea yêu chiều như vậy? Giới chuyên môn nhìn sang Solskjaer và phân tích rằng, nơi huấn luyện viên người Na Uy thành công chính là chỗ Lampard đã rơi xuống hố.
Thứ nhất, đó là khả năng quản lý. Solskjaer đã kiểm soát tốt đội bóng của mình trong 2 năm qua, với minh chứng là Paul Pogba. Bất kể có những giai đoạn tiền vệ người Pháp đòi ra đi, ông vẫn kiên quyết giữ lại để dần đưa nhà vô địch thế giới trở lại với hình ảnh của chính mình.
Một điều khác, huấn luyện viên 47 tuổi không bao giờ công khai chỉ trích các cầu thủ, điều đó khác ở Lampard.
Sau trận thua Wolves hồi tháng 12, Lampard nói trên Sky rằng, “các cầu thủ phải chịu trách nhiệm”. Nói công khai điều đó, Lampard có nhớ người thầy cũ Jose Mourinho đã nhận ra cái giá phải trả của mình? Lampard thiếu kỹ năng quản lý, huấn luyện để thúc đẩy đội hình và phát huy tốt nhất các cầu thủ của mình, trong khi Solsa làm ngược lại.
Lật lại lịch sử, năm 2014, chính Lampard từng chỉ trích huấn luyện viên Andre Villas-Boas tại Chelsea: “AVB đã làm theo cách của mình và nó không hiệu quả. Tôi không biết liệu anh ấy còn quá trẻ hay công việc này đến quá sớm với anh ấy”. Năm đó, Villas-Boas mới 36 tuổi.
Thứ hai, về chiến lược dài hạn. Thật buồn cười là Lampard bị sa thải trong mùa giải ông được chi tiêu thả ga trong mùa Hè 2020 (hơn 200 triệu bảng). Trong khi đó, nhắc lại chuyện Lampard giúp Chelsea lọt vào Top 4 ở mùa giải 2019-20 khi đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ do chính đội nhà đào tạo nên để thấy rằng, ông không có kế hoạch dài hạn.
Với các ngôi sao mới, ông loại bỏ những người như Fikayo Tomori và Tammy Abraham. Nhưng rốt cuộc, chính họ lại đang ghi nhiều bàn thắng hơn những Timo Werner, Kai Havertz…
Man United không mua sắm rầm rộ trước mùa bởi Solsa cần chờ các cầu thủ của mình có thời gian thích ứng, để rồi thành quả đang tới gần.
Thứ ba là kinh nghiệm. Cho dù Solsa cũng chưa có kinh nghiệm ở các đội bóng lớn trước khi tới Man United nhưng ông đã bước vào công tác huấn luyện từ năm 2011 tại Molde, sau thời gian dẫn đội dự bị của Man United. Đến giờ là 14 năm.
Còn Lampard, ông mới chỉ có 1 mùa giải ở Derby County rồi lập tức cập bến Chelsea. Do đó, việc còn yếu trong quản lý đội bóng không có gì là bất ngờ. Lampard cần thêm nhiều năm nữa để trưởng thành, còn giờ thì vị trí của ông do Thomas Tuchel tiếp nối...