Chuyên gia Thái Lan: Gạo giá cao của Việt Nam đang mở rộng nhiều thị trường


Ngày 25/01, trên tờ Bưu điện Bangkok đăng tải nhận định của chuyên gia Thái Lan Suwathchai Songwanich: Gạo giá cao của Việt Nam đang mở rộng nhiều thị trường.
Theo tờ congthuong.vn, chuyên gia Thái Lan Suwathchai Songwanich, hiện là Phó Chủ tịch điều hành Ngân hàng Thái Lan, đánh giá cao chiến lược gạo của Việt Nam.
 
Theo đó, Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, trong tháng này đã có một động thái khá bất ngờ khi bắt đầu nhập khẩu ngũ cốc từ Ấn Độ. Chuyên gia Thái Lan đánh giá rằng, việc Việt Nam nhập khẩu gạo Ấn Độ rẻ hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước trong khi tiết kiệm sản lượng đang được mức giá cao nhất trong nhiều năm cho thị trường xuất khẩu. Giá gạo Việt Nam gần đây đang cao hơn giá gạo Thái Lan, vốn thường thu hút được mức giá cao. Một lý do là Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với EU, mở ra cánh cửa vào thị trường châu Âu đầy tiềm năng. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết gần đây cũng sẽ mở ra nhiều thị trường hơn cho gạo giá cao hơn.
 
 
 Chuyên gia Thái Lan đánh giá cao chiến lược gạo của Việt Nam
 
Việt Nam đang ở vị thế tốt để tận dụng những cơ hội này, đã nỗ lực cải thiện chất lượng và chủng loại gạo của mình. Ngoài việc sản xuất ra nhiều loại gạo thơm chất lượng cao, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã và đang phát triển các giống lúa gạo hướng đến xu hướng thị trường, chẳng hạn như gạo trắng mềm, cũng như tổ chức lại phương thức sản xuất, cải thiện an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng, và tăng năng suất. Những nỗ lực này đã dẫn đến năng suất cao hơn, nhận diện thương hiệu tốt hơn và được toàn cầu khen ngợi, chẳng hạn như giành được giải loại gạo ngon nhất tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới năm 2019 và đứng thứ hai sau Thái Lan vào năm ngoái.
 
Thái Lan từng giữ vị trí là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhất thế giới nhưng hiện đã tụt xuống vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Việt Nam. Chuyên gia Thái Lan cho rằng, nước này cần học hỏi cách Việt Nam điều chỉnh thương mại để phù hợp với diễn biến thị trường. Gạo Thái Lan đã không còn được ưa chuộng trong những năm gần đây khi người tiêu dùng chuyển sang các loại gạo mềm hơn. Nước này có nguy cơ tụt xuống vị trí thứ năm trong thập kỷ tới nếu không phát triển một chiến lược gạo dài hạn đa dạng và cạnh tranh hơn.
 
Có một số dấu hiệu tích cực cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đang bắt đầu hành động. Năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đã công bố chiến lược 5 năm nhằm đẩy nhanh sự phát triển của 12 giống lúa mới: 4 loại gạo trắng kết cấu cứng, 4 loại gạo trắng kết cấu mềm, 2 loại gạo thơm Hom Mali của Thái Lan, và hai giống lúa dinh dưỡng cao.
 
Tuy nhiên, Thái Lan sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để giành lại ngôi vị nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Để đánh giá từ kinh nghiệm của Việt Nam, toàn bộ chuỗi cung ứng cần được xem xét. Năng suất của Thái Lan cũng tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực trong nhiều năm - năng suất lúa địa phương khoảng 450 kg/rai (rai là tiếng Thái Lan, đơn vị đo diện tích tương đương 1.600m2) so với 960kg của Việt Nam và 2 tấn của Trung Quốc. Chuyên gia phân tích cũng cho rằng, có một cách để Thái Lan tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra là xây dựng lợi thế với tư cách là một quốc gia sản xuất lương thực bằng cách gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả. 
 
Theo tờ bnews.vn, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp khiến nhu cầu thực phẩm cao, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu từ những thị trường truyền thống và tình trạng thiếu hụt container vận chuyển trên toàn cầu nên các doanh nghiệp dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong những tháng đầu năm 2021.
 
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn tiếp tục ghi nhận những kết quả tốt trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
 
Nhu cầu về lương thực vẫn tiếp tục tăng khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, các nước Đông Nam Á, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.
 
Đồng thời các thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào; trong đó điển hình phải kế đến Trung Quốc và Bangladesh...
 
Trung Quốc đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh vì dịch COVID-19 và thời tiết bất lợi.
 
Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam, nhất là khi hai nước đang thiết lập một đường dây nóng để tạo thuận lợi cho thương mại các loại nông sản, sau giai đoạn hoạt động giao thương giữa hai bên gặp khó khăn vì COVID-19.
 
Cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ ở các thị trường có nhu cầu lớn như Philippines hay châu Phi, mà vừa qua, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được thực thi sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị cho gạo Việt.
 
Điển hình như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… so với sản lượng sản xuất trong nước thì hạn ngạch các loại gạo vào các thị trường này là rất nhỏ.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, do trước đây các thị trường này có mức thuế cao nên mặt hàng gạo Việt Nam ít xuất hiện ở thị trường này hơn.
 
Nhưng các hiệp định thương mại tự do sẽ là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường, từ đó tạo ra uy tín, thương hiệu gạo Việt.
 
Gần đây, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 500 - 505 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2011 do nguồn cung trong nước ít.
 
Nguồn cung giảm trong khi Philippines - quốc gia nhập khẩu gạo lớn có những thông tin cần nhập khẩu lượng lớn lương thực chính trong năm nay để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong nước, đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao.
 
Nhu cầu từ các thị trường thế giới vẫn cao, nhưng các nhà xuất khẩu nhận định lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2021 sẽ vẫn thấp, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ trong năm 2020.
 
Xuất khẩu gạo của Thái Lan đã gặp nhiều trở ngại trong năm 2020; trong đó có việc giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt khi đồng Baht nội địa tăng giá.
 
Ngoài ra, một lý do khác khiến xuất khẩu thấp là thiếu container vận chuyển trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng xuất khẩu. Những điều này sẽ tạo thêm cơ hội cạnh tranh cho gạo Việt trong thời gian tới. 
 
 
 Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam

Với diễn biến thị trường hiện nay, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đánh giá thị trường vẫn có nhu cầu lớn.
 
Bởi, biến đổi thời tiết, hạn mặn vẫn có nguy cơ cao tác động bất lợi cho sản xuất, cũng như dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp khiến nhu cầu thực phẩm cao.
 
Bên cạnh đó, một số thị trường vẫn có nhu cầu gạo cao như Philippines, châu Phi… và đây vẫn là thị trường chính của gạo Việt Nam.
 
“Do đó với giá cả và nhu cầu người tiêu dùng hiện nay, dự báo giá gạo vẫn còn ở mức cao. Vụ Đông Xuân tới, lúa gạo vẫn có thể có được mức giá tốt, có lợi cho nông dân.”, ông Đỗ Hà Nam nhận định.
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa năm 2020 đạt 42,8 triệu tấn, giảm khoảng 87 nghìn tấn, do diện tích gieo trồng giảm khoảng 192 nghìn ha nhưng năng suất tăng 0,5 tạ/ha so với năm 2019. Với sản lượng trên đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
 
Tổng khối lượng gạo xuất khẩu cả năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn với giá trị 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019.
 
Đặc biệt, sản xuất lúa gạo tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 74%, cao hơn so với mức 50% của năm 2015 để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”.
 
Nhờ đó, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.
 
Giá xuất khẩu tăng đã đẩy giá lúa gạo tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long cả năm 2020 biến động theo chiều hướng tăng, với giá lúa thường tăng khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 1.000 - 1.200 đồng/kg, tùy từng thời điểm và mùa vụ.
 
Kết quả tích cực trong tổ chức sản xuất – tiêu thụ, từng bước nâng cao giá trị cho gạo Việt Nam trên một phần nhờ Việt Nam nỗ lực trong triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
 
Cơ cấu giống lúa có sự chuyển đổi tích cực, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tại vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao đều tăng.
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, không chỉ với 85% sản lượng gạo cao cấp phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu mà ngành hàng lúa gạo đã có những thành quả nghiên cứu về thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu để phù hợp với từng vùng miền.
 
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Gạo Việt Hưng (Tiền Giang) đánh giá, sau nhiều năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, hiện nay Việt Nam hầu như không còn sản xuất gạo chất lượng thấp, ngay cả gạo tấm Việt Nam cũng là gạo tấm chất lượng cao, phục vụ con người và có giá bán từ 430 - 450 USD/tấn.
 
Cũng chính bởi hướng đến chất lượng nên giá gạo Việt Nam ngày một tăng. Để đáp ứng nhu cầu các sản phẩm gạo bình thường phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, nấu bia hay làm bún, phở… nên mới đây, Việt Nam lần đầu tiên mua gạo Ấn Độ sau nhiều thập niên.
 
Các thương nhân Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm và kế hoạch giao hàng vào tháng 1 và tháng 2 với giá khoảng 310 USD/tấn theo phương thức giao hàng FOB. So với gạo Việt Nam, giá gạo của Ấn Độ hiện ở mức rất hấp dẫn và sự chênh lệch giá khá lớn.
 
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho rằng, Việt Nam tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo giống Nhật Japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo cấp thấp.
 
Bởi nếu Việt Nam sản xuất loại gạo cấp thấp sẽ không cạnh tranh được với gạo của Ấn Độ và Pakistan. Việc đầu tư gạo chất lượng cao vừa nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời thâm nhập sâu vào các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu...
 
Trải qua một năm với thị trường lúa gạo luôn biến động tăng, ông Đỗ Hà Nam đánh giá, tưởng chừng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ thắng lớn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp rủi ro nếu bán trước – mua sau. Những doanh nghiệp nào mua trước - bán sau sẽ được, còn bán trước - mua sau sẽ thua.
 
Bởi nhiều doanh nghiệp do tìm kiếm hợp đồng nên bán trước khi mua vào nên dễ gặp rủi ro, trong khi đó giá nguồn cung thị trường trong nước lại tăng. Do giá nội có xu hướng cao hơn giá ngoại nên hiệu quả xuất khẩu không cao.
 
Cũng với tình hình hiện nay, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp là làm sao đảm bảo được giá nội và giá ngoại tốt thì các doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn.
 
Nhưng xu hướng gần đây do cung không đủ cầu nên giá nội cao hơn giá ngoại do đó một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đó.
 
Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục cố gắng hơn để hạt gạo Việt Nam đem lại giá trị chân thực cho người nông dân.
 
Người nông dân vốn chịu thiệt thòi vì hiệu quả sản xuất của khâu này so với các đối tượng sản xuất khác chưa cao.
 
Do đó cần đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững cho người sản xuất cũng như cho những người tham gia chuỗi cung ứng lúa gạo.
 
Minh Hoa
 
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội