Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Sáng 26/1, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Trong đó đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng của Đảng – một vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian qua.
Báo cáo nêu rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng được Ban Chấp hành Trung ương quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, được sự ủng hộ của nhân dân, đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tình trạng tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng giảm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Khách quan nhìn nhận, công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Thống kê tại dự thảo văn kiện cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng. Trong đó, có 110 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu; 24 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Ủy viên Bộ Chính trị; 26 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội, Công an.
Thuyết phục hơn khi việc xử lý các cá nhân vi phạm là không có vùng cấm khi nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang… có sai phạm đều bị đưa ra xét xử. Hoặc nhiều vụ án thuộc những lĩnh vực xưa nay ít được quan tâm như lĩnh vực ngân hàng cũng được đưa ra xét xử.
Bản án làm cho các đối tượng tham nhũng khuất phục và thuyết phục được người dân. Chính vì vậy không ít bị cáo khi ra tòa xin lỗi Đảng, xin lỗi Tổng bí thư, nhận trách nhiệm, thậm chí khóc tại phiên tòa, ăn năn nhận ra sai sót. Tất cả đã đập tan đi cái quan điểm một thời người ta nói chống tham nhũng chỉ “đánh từ vai đánh xuống”.
Dẫu vậy, cần nhìn nhận một thực tế đang tồn tại âm ỉ, đó là chúng ta xử lý tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin-cho vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng lại không thay đổi, thế nên mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc.
Tình trạng “bôi trơn” trong giải quyết các thủ tục hành chính, kinh doanh hiện nay vẫn còn. Có người còn nói không có “bôi trơn” là cỗ máy khó hoạt động trơn tru. Còn trong đời sống xã hội chúng ta đều thấy, đi đâu cũng có “xin” và “cho”, từ cái nhỏ nhất là đi học, đi khám bệnh, cho đến đi làm thủ tục hành chính… Tất cả những cái đó dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Nhiệm kỳ khoá XIII tới, cần phải có những giải pháp căn cơ hơn, quyết liệt hơn, trong đó phải xóa bỏ được cơ chế xin - cho sẽ xóa bỏ được cái gốc của tham nhũng. Dù biết rằng, để cắt bỏ được cơ chế xin - cho thì vai trò của những người đứng đầu các cấp, các ngành là rất quan trọng, không quyết tâm thì không thể làm được. Bởi cắt bỏ cơ chế xin - cho rất khó, nó đụng chạm đến quyền và lợi ích của rất nhiều người.
“Cần tiếp tục phát huy những kết quả và bài học quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực mà nhiệm kỳ XII đạt được. Cần có những giải pháp để tạo ra những chuyển biến căn bản, hướng đến mục tiêu: ‘Không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và không thể tham nhũng.’” Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Chống tham nhũng có mục tiêu cao nhất không phải để bắt ông nọ ông kia, không phải hướng đến việc có nhiều quan chức ra tòa, với mức án cao, mà phải xây dựng một đội ngũ cán bộ không tham nhũng. Mục tiêu đích thực của phòng chống tham nhũng là xây dựng bộ máy trong sạch, đội ngũ cán bộ liêm chính.
Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.