NBC News dẫn báo cáo nghiên cứu của tổ chức Oxfam, được công bố vào ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 25.1 cho biết, hầu hết quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến sự gia tăng bất bình đẳng do đại dịch COVID-19.
Đối với hai tỉ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos của Amazon và Elon Musk của Tesla, đại dịch càng có lợi cho công việc kinh doanh của họ. Cùng với những người giàu nhất thế giới khác, hai tỉ phú thậm chí càng trở nên giàu có hơn rất nhiều kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Tương phản rõ rệt là nhiều người kém may mắn hơn trên khắp thế giới phải trải qua thời kỳ khó khăn và việc phục hồi có thể mất đến hơn 1 thập kỷ, theo báo cáo có tiêu đề ''Virus Bất bình đẳng''.
Cụ thể, báo cáo của Oxfam cho hay, 10 tỉ phú giàu nhất thế giới - bao gồm Bezos, Bill Gates của Microsoft và Bernard Arnault - Giám đốc điều hành của Tập đoàn xa xỉ LVMH - đã tăng khối tài sản của họ thêm 540 tỉ USD trong giai đoạn này. Oxfam phân tích, phần tài sản gia tăng của các tỉ phú thừa sức chi trả tiền tiêm chủng vaccine COVID-19 cho tất cả mọi người trên toàn thế giới - ước tính 141,2 tỉ USD.
Chỉ 3 trong số 50 tỉ phú giàu nhất thế giới có tài sản bị sụt giảm, báo cáo cho biết thêm.
Ông Max Lawson, người đứng đầu chính sách bất bình đẳng tại Oxfam và đồng tác giả của báo cáo, cho hay: “Tôi nhớ tới cuộc khủng hoảng tài chính và tôi từng rất kinh ngạc về tốc độ phục hồi tài sản nhanh chóng của các tỉ phú - trong khoảng thời gian từ 4 tới 5 năm. Nhưng điều đó không là gì so với thời kỳ đại dịch COVID-19 - họ càng giàu lên chỉ sau chín tháng. Không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được điều đó”.
Báo cáo cũng lưu ý, đại dịch cũng mang đến tác động không đồng đều đối với sức khỏe của con người. Đơn cử, tại Mỹ, gần 22.000 người da màu và người gốc Tây Ban Nha đáng lẽ vẫn còn sống nếu tỉ lệ tử vong do COVID-19 của họ bằng với người da trắng.
Bà Melissa Leach, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển có trụ sở tại Anh, cho rằng: “Dịch bệnh luôn là tấm gương phản chiếu xã hội, và những điều này đã tiết lộ một thế giới rất bất bình đẳng''.
“Chúng ta đang chứng kiến rất ít người giàu lên, trong khi nghèo đói và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo gia tăng, tác động trực tiếp không chỉ đối với người nghèo mà còn đối với cách thức vận hành của các nền dân chủ và cách triển khai các chính sách kinh tế”, bà nói thêm.
Cuối cùng, báo cáo kêu gọi các chính phủ can thiệp để thu hẹp khoảng cách ngày càng gia tăng về bất bình đẳng, đồng thời khuyến nghị đánh thuế đối với người giàu, tăng chi tiêu công cho chăm sóc y tế, tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng theo hướng phổ cập và “bảo trợ xã hội” thường xuyên cho những người nghèo nhất trong xã hội.