Quy định bảo lãnh dự án nhà ở hình thành trong tương lai bảo vệ người mua khi dự án không thể hoàn thành
Theo đó, để có cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và báo cáo tình hình thực hiện "đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở và bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai" và việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cũng như hạn chế rủi ro cho người mua nhà, UBND TP.HCM kiến nghị Thống đốc NHNN nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 07/2015 và Thông tư 13/2017 của NHNN về chế độ báo cáo và xử phạt vi phạm hành chính.
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy định, TP.HCM đề nghị NHNN có công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai báo cáo số liệu của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại thực hiện bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để theo dõi.
Được biết, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định chủ đầu tư dự án trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh.
Cụ thể, chủ đầu tư dự án trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà đúng quy định, bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.
Có rất nhiều dự án đã được mở bán nhưng rất ít dự án được ngân hàng bảo lãnh
Về phía NHNN đến nay đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn hoạt động bảo lãnh liên quan đến dự án bất động sản nhà ở hình thành trong tương lai là Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/8/2015 và Thông tư 13/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07, có hiệu lực từ 15/11/2017.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên sau 5 năm có hiệu lực, có rất nhiều dự án đã được mở bán nhưng có rất ít dự án được ngân hàng bảo lãnh một cách thực chất. Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận rất ít chủ đầu tư thực hiện điều này, mà bằng nhiều cách họ sẽ né đi để không phải trả bảo lãnh khoảng 2% mỗi năm cho ngân hàng.
Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng và Thủ tướng mới đây nhất đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, trong đó liên quan đến bảo lãnh dự án, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, nên xem xét loại bỏ hoặc thay thế quy định này.
Theo VNREA, mức bảo lãnh đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai lên tới 100% giá bán/căn hộ và thư bảo lãnh phát sinh hiệu lực cùng lúc dẫn đến tổng giá trị bảo lãnh của một dự án là rất lớn. Đối với các chủ đầu tư triển khai nhiều dự án với quy mô lớn cùng thời điểm, thì việc cấp bảo lãnh trong hạn mức tín dụng là không thể thực hiện được.
VNREA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và ban hành cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có thể để doanh nghiệp và khách hàng tự thỏa thuận về nội dung này.
Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.