Theo công bố mới nhất từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 ước đạt 184.662 tỷ đồng, tăng 15% so với 2019; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 57.102 tỷ đồng, tăng 8% so với 2019, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng, tăng 19,6%.
Dù tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao, nhưng theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, môi trường lãi suất thấp sẽ là một thách thức thực sự đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.
SSI lý giải, môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn, từ đó làm giảm lợi nhuận chung của các công ty bảo hiểm, vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thua lỗ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, đã khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm.
SSI tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn. Hậu quả quan trọng của việc này là các công ty bảo hiểm có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định (treaty) và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời (facultative), ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nhận định, dịch bệnh đã khiến tăng trưởng ngành bảo hiểm năm 2020 chậm lại, nối tiếp xu hướng giảm tăng trưởng từ giữa năm 2020.
Năm 2020, tăng trưởng mảng phi nhân thọ trở nên kém sắc do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại, du lịch của người dân, gián tiếp kéo giảm nhu cầu về bảo hiểm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm từ mức thấp năm 2019, khiến các doanh nghiệp nhân thọ phải giữ mức doanh thu hợp đồng mới thấp nhằm giảm gánh nặng chi phí dự phòng.
Năm 2021, tăng trưởng của ngành sẽ có sự phân hóa giữa khối nhân thọ và phi nhân thọ. Theo đó, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ sẽ trở lại theo sự phục hồi kinh tế. Vì hầu hết các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ có thời hạn 1 năm và không có điều khoản chia lãi tiết kiệm. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không chịu sự chi phối của vấn đề lãi suất trong tăng trưởng doanh thu.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ khó khăn trong việc bán các sản phẩm có tính chất tiết kiệm, chẳng hạn như bảo hiểm hỗn hợp, do phải hạn chế sự mất cân xứng giữa lãi đầu tư nhận được trong tương lai và lãi đã cam kết với khách hàng khi ký hợp đồng với khách hàng.
Nỗ lực đẩy mạnh doanh số các sản phẩm liên kết đầu tư, bù đắp cho các sản phẩm tiết kiệm có thể làm tăng chi phí bán hàng, giảm hiệu quả nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, nhìn chung trải nghiệm mất mát trong đại dịch lại nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm trong cuộc sống, tạo thêm động lực cho ngành bảo hiểm, nhất là tại các khu vực mà mức độ bao phủ còn thấp như Việt Nam, VDSC nhận định.
VDSC cho rằng, lãi suất tiền gửi và lãi suất trái phiếu Chính phủ sau khi giảm mạnh năm 2020 do dịch bệnh vẫn có thể tiếp tục duy trì thấp trong năm 2021. Ngược lại, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao hơn và các quy định quản lý đang được hoàn thiện theo hướng gia tăng mức độ bảo vệ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, diễn biến thị trường chứng khoán có thể vẫn sẽ tích cực ở một số ngành nghề trong năm 2021, nhờ sự phục hồi của kinh tế, dòng tiền nước ngoài trở lại và dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước tìm kiếm kênh sinh lời có hiệu quả cao.
Bối cảnh trên có thể khiến các doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng tiền gửi và trái phiếu Chính phủ, tăng tỷ trọng cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp nhằm ổn định lợi suất đầu tư và đảm bảo nghĩa vụ chi trả cho chủ hợp đồng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại ngày càng quan tâm đến khối phi nhân thọ. Các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã và đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam khi thị trường bảo hiểm các nước này đã bão hòa.
Các doanh nghiệp nội cũng “rộng cửa” tiếp nhận đầu tư thông qua động thái nới rộng sở hữu nước ngoài lên 100% trong các kỳ đại hội cổ động trong 2 năm gần đây tại các doanh nghiệp như Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán: BMI), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (mã chứng khoán: PGI), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán: PTI). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng công bố bán vốn cho cổ đông chiến lược cho cổ đông ngoại.
Sự quan tâm của cổ đông nước ngoài trong ngắn hạn sẽ là chất xúc tác cho giá cổ phiếu. Về dài hạn cổ đông nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như được hỗ trợ chuyên môn bảo hiểm, tăng sức mạnh thương lượng với nhà tái bảo hiểm và tăng hạng tín nhiệm để mở rộng kinh doanh sang các thị trường nước ngoài.
Về mặt chính sách, Bộ Tài chính đã có những thay đổi chính sách nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp. Gần đây nhất Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 89/2020/TT – BTC có hiệu lực từ ngày 26/12/2020, nhằm sửa đổi bổ sung 4 thông tư trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm mà quan trọng nhất là nội dung sửa đổi về trích lập dự phòng toán học, giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giảm gánh nặng chi phí dự phòng trong điều kiện lãi suất đầu tư và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh và có thể tiếp tục duy trì trong năm 2021.
Về dài hạn, các chuyên gia bảo hiểm đánh giá, những sửa đổi trong Dự thảo Luật kinh doanh Bảo hiểm 2020 sẽ tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho các doanh nghiệp phát triển cả về chất và lượng từ năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, dù ngành bảo hiểm đang đối diện với những khó khăn trước mắt, nhưng nhiều mã cổ phiếu ngành bảo hiểm đã có mức hồi phục rất ấn tượng cùng với đà hồi phục chung của thị trường. Thậm chí nhiều mã cổ phiếu có mức tăng vượt mức hồi phục của chỉ số VN - Index.
Tính từ mức đáy tháng 3/2020 đến hết phiên 22/1/2021, VN - Index tăng hơn 76,1%. Cùng trong khoảng thời gian này, cổ phiếu thì BVH của Tập đoàn Bảo Việt là mã có mức hồi phục mạnh mẽ với tăng tới gần 75% kể từ cuối tháng 3/2020, trong khi mã ABI của Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp tăng 80%, BMI của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh tăng 90%. Đây là những mã cổ phiếu có mức hồi phục mạnh mẽ nhất trong nhóm ngành bảo hiểm.
Văn Giáp