“Rain garden”- Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu


TTH - Khái niệm về “Rain garden” không còn xa lạ với những nước phát triển và đang trở thành xu hướng áp dụng của nhiều nước đang phát triển. Rain garden được hiểu như cách đưa nước mưa vào trong đất tạo thành một bể chứa lớn, làm giảm lượng nước chảy tràn trên bề mặt, góp phần giảm sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt...

Nhiều cây xanh được trồng sẽ tạo nên những “Rain garden” nhỏ giúp tích nước, giảm lượng nước chảy tràn trên bề mặt

Lợi đơn, lợi kép

Số liệu đo lượng mưa trung bình hàng năm ở Thừa Thiên Huế có sự tăng nhẹ, bình quân 3.300mm/năm. Nhưng nếu xem lại kỹ hơn, sự phân bố lượng mưa trong năm lại có sự biến động lớn. Thời gian mưa thu hẹp lại và lượng mưa có xu hướng tăng, đổ xuống liên tục, tập trung vào một thời điểm quá ngắn, gây nên hiện tượng tăng lượng nước lên trên bề mặt, gây hiện tượng lũ quét, lũ lụt. Thực trạng này đã xảy ra vào hồi tháng 10, 11 năm 2020 ở khu vực miền Trung.

Về mặt khoa học, khi lượng mưa rớt xuống mặt đất được chia làm 2 nhánh. Nhánh thứ nhất thấm xuống đất chảy vào nước ngầm và bổ sung cho nước ngầm. Nhánh thứ hai chảy tràn trên bề mặt. Nếu đất có khả năng thấm hút tốt sẽ tích lũy được lượng nước ngọt lớn. Theo nguyên tắc, nước ngầm là một bể chứa khổng lồ để lưu giữ nước vào trong đất. Đồng thời, lúc này lượng nước chảy tràn trên bề mặt sẽ giảm và gia tốc dòng chảy càng nhỏ, giảm sức công phá các chướng ngại trên đường dòng chảy, giảm sạt lở, lũ quét; giảm lượng nước ngập cho vùng hạ du.

TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường- Đại học Huế (IREN) đề xuất, cần có những biện pháp, giải pháp "mưu cầu" giảm dòng chảy bề mặt, tăng lượng nước thấm vào trong đất. Tăng được lượng nước thấm vào trong đất sẽ duy trì mực nước ngầm cao, thể hiện được vai trò thủy lâm rất tốt, giúp "nhả" nước chậm về cho các khe suối. Nên, dù mùa khô hạn kéo dài, nước ở các dòng sông vẫn giữ ổn định.

Theo TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, thực vật đóng vai trò rất quan trọng nên việc cần làm là phải trồng rừng để tạo ra lớp thảm mục thực bì trên bề mặt đất. Khi được làm dày, lớp xen-lu-lô xốp này hút nước rất tốt, thấm dần vào đất, rễ cây và làm giàu hệ thống mực nước ngầm. Tiếp đó là hình thành những hệ thống "Rain garden", gọi nôm na là bể chứa nước mưa tự nhiên giúp giữ nước trong đất, chống ngập lụt và BĐKH.

Ở đô thị, hệ thống "Rain garden" rất cần và đang được nhiều nhà quy hoạch quan tâm. Đô thị đang ngày càng bê tông hóa. Tất cả nước mưa ở khu vực này chảy xuống mái nhà, qua ống, xuống cống rồi chảy ra các hệ thống ống cống nhỏ to để chảy ra sông. Như vậy, toàn bộ nước mưa rơi xuống trên một diện tích rất lớn của các đô thị đều đổ ra sông mà không thể thấm xuống đất. Nhiều nước đang đề xuất ở các đô thị phải làm "Rain garden" và khuyến cáo mỗi ngôi nhà nên hạn chế lượng nước mưa chảy ra bên ngoài bằng cách làm một sân cỏ, hồ nong ngay tại ngôi nhà của mình.

Còn ở các khu vực đất công, công viên nên đào những hồ nhỏ không tráng đáy bằng xi măng hay tấm lót nhựa mà được làm thành hầm rút và trồng cây thủy sinh ở giữa.

Cách làm này tương tự hầm rút ở mỗi hộ gia đình, tuy nhiên quy mô lớn hơn, thân thiện hơn. Bể hút này được tạo thành một hồ cạn và quanh bề mặt trồng các đai: thủy sinh, cây chịu bán ngập...

Theo tính toán, cách làm này vừa lợi đơn, lợi kép. Chỉ riêng chi phí đầu tư cho giao thông vận tải hằng năm sẽ giảm nhiều do ít hư hỏng cầu cống, đường sá...

Đa dạng và phổ biến hoá "Rain garden"

Quy hoạch đô thị Huế ngày xưa, hệ thống hồ ao rất phong phú. Nhiều người cho rằng, sở dĩ hồ ao ở Huế trước đây nhiều là vì phải đào lấy đất đắp thành. Đó cũng là một lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là tất cả các hệ thống hồ ở nội thành, ngoại thành và sông Ngự Hà được liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một hệ thống liên thông rút nước rất tốt, giúp giữ nước, hạn chế lượng nước chảy trên bề mặt.

Quá trình đô thị hoá, có những giai đoạn, những người làm quy hoạch, cơ quan chức năng quên vai trò của hệ thống giao thông thủy đạo trong thành phố, nên không ít hệ thống ao hồ bị phá vỡ, bồi lấp, làm thu hẹp nhiều diện tích mặt nước. Đó cũng là lý do xuất hiện tình trạng dễ ngập lụt cục bộ ở Huế thời gian qua và cũng có dấu hiệu xuất hiện ở khu vực nông thôn do bê tông hoá, đô thị hoá.

Nếu sử dụng các giải pháp để tăng lượng nước trong đất sẽ đem lại 3 lợi ích. Đó là, ở các vùng hồ này (tất nhiên, không bê tông đáy) sẽ duy trì được hệ thống thủy sinh, nếu tôn tạo tốt sẽ trở thành các tiểu cảnh đẹp trong thành phố. Hệ thống thủy sinh này cũng làm gia tăng lên các thảm xanh theo mùa, gia tăng tính đa dạng sinh học. Lợi ích thứ ba là làm cho mực nước ngầm trong thành phố tăng cao, tạo độ mát trong mùa khô.

Những ai thường đi từ ngoài thành vào Đại Nội vào những ngày hè nóng nực sẽ cảm nhận rất rõ về sự khác biệt, chênh lệch nền nhiệt này bởi nhờ hệ thống cây xanh, ao hồ, mực nước ngầm quanh khu vực Thành nội Huế rất lớn. "Rain garden" rất đa dạng nên có nhiều cách và ở bất cứ đâu đều có thể làm "Rain garden". Ngay ở những bãi gara xe, sân vườn... có thể lót những tấm đan không liên tục, tạo kẽ hở cho nước dễ thấm xuống.

Hệ thống cây xanh đô thị chỉ cần thiết kế bồn trồng không xây bọc các lề gờ cao mà làm mặt ngang, để một diện tích đất tự nhiên quanh gốc cây là có thể thu được nước chảy vào hố trồng. Nếu thiết kế đồng bộ ở tất cả các cây xanh đô thị sẽ tạo thành nhiều Rain garden nhỏ, giúp hút, giữ được lượng nước trong đất.

Đôi khi không cần đồng bộ hoá vỉa hè, mà có thể một vài nơi nên cách điệu thay những viên gạch lát nền bằng những loại gạch có khả năng thấm nước và bên dưới lớp gạch này không cần lát lớp xi măng mà để tự nhiên bằng đất... để dễ hút nước thông qua các bề mặt sân lớn này.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Tags: Rain garden
Bài liên quan

Gửi gắm kỳ vọng của nhân dân tới Đảng

Sáng 25/1, bên lề Phiên họp trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Thủ đô Hà Nội), đại biểu các đoàn địa phương đã bày tỏ niềm vui mừng, xúc động, tự hào khi được về dự Đại hội - sự kiện ...

Chính quyền điện tử: Giảm giấy tờ, thời gian, chi phí

TTH - Gần đây, Thừa Thiên Huế được xem là điểm sáng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) nhằm tạo ra thay đổi căn bản trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hướng đến chính quyền phục ...

Về biển mùa cá khoai 

TTH.VN - Về biển một buổi chiều nắng của mùa đông, những chiếc ghe tấp nập cập bờ, mang theo những mớ cá khoai tươi rói, thành quả sau nửa ngày lênh đênh trên biển của ngư dân.
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội