Theo Reuters, chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố, Mỹ sẽ quay trở lại Hiệp định khí hậu Paris 2015, Đặc phái viên về khí hậu ông John Kerry sẽ cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Han Zheng, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà lãnh đạo khác đàm phán về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh về thích ứng với khí hậu.
Được biết, sự kiện trực tuyến này do Hà Lan đăng cai tổ chức nhằm đề ra các giải pháp và kế hoạch thiết thực để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu trong giai đoạn đến năm 2030.
Trước hội nghị thượng đỉnh, hơn 3.000 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã thúc giục các nhà lãnh đạo nên có các biện pháp bảo vệ người dân khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trong số các nhà khoa học có 5 người đoạt giải Nobel, cho biết: “Thế giới của chúng ta đang nóng lên nhanh chóng, khiến con người trải qua những trận hạn hán khốc liệt hơn, hỏa hoạn, sóng thần, lũ lụt, lốc xoáy và hàng loạt hiện tượng cực đoan khác.
Trừ khi chúng ta đẩy mạnh các biện pháp thích ứng ngay bây giờ, nếu không sẽ phải đối mặt với nạn nghèo đói gia tăng, thiếu nước, thiệt hại trầm trọng về nông nghiệp và mức độ di cư tăng vọt, tính mạng con người cũng bị đe dọa".
Theo Tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng (GCA), thay đổi khí hậu có thể làm suy giảm sản lượng lương thực toàn cầu tới 30%, nước biển dâng cao, hàng loạt cơn bão lớn hình thành và xuất hiện có thể khiến hàng trăm triệu người dân ở những thành phố ven biển phải rời bỏ nơi mình sinh sống.
Vào đêm trước khi diễn ra Hội nghị, chủ tịch GCA và cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Không có vaccine phòng chống biến đổi khí hậu và nó đang diễn ra nhanh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, gây ra nhiều tác động tiêu cực và rủi ro. Do đó, việc xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu là điều cần phải thực hiện".
Không có cam kết ràng buộc nào được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh, nhưng các nhà lãnh đạo sẽ cố gắng thiết lập chương trình hành động, lập biểu đồ và đề xuất để tạo ra một hành tinh có khả năng chống chịu tốt hơn với việc biến đổi khí hậu vào cuối thập kỷ này.
Anh cho biết, họ có kế hoạch hợp tác với Ai Cập, Bangladesh, Malawi, Saint Lucia và Hà Lan trong một sáng kiến có thể bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm về bão, đầu tư vào hệ thống thoát lũ và cây trồng chịu hạn.
Tiểu Long