Dệt may, chế biến thực phẩm, dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo… là những lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có thể đẩy mạnh hợp tác đầu tư.
TIỀM NĂNG CHƯA ĐƯỢC KHAI THÁC ĐÚNG MỨC
Năm 2020, trong bối cảnh FDI toàn cầu suy giảm tới 40%, kết quả thu hút FDI của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký đạt hơn 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký tăng thêm mở rộng đầu tư tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang dần hồi phục từ tác động của dịch Covid-19 và Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Tại Diễn đàn đầu tư Ấn Độ - Việt Nam vừa được tổ chức tuần qua tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Hiện có khoảng 33 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ đứng thứ 26 với 296 dự án, tổng vốn đầu tư xấp xỉ 900 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng tái tạo, khai khoáng. Ngoài ra, tính từ năm 2016, khi Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thì Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN.
Tuy nhiên theo ông Đông, hiện nay việc hợp tác trên lĩnh vực thương mại, kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng của 2 nước. Do đó, để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương lâu dài và đạt hiệu quả cao, trước mắt các doanh nghiệp cần nắm bắt các cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi nước. "Việt Nam luôn chào đón và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ ô tô, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, cơ sở hạ tầng... "
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, nhấn mạnh: Mối quan hệ kinh tế là một trong những trụ cột then chốt trong quan hệ đối tác toàn diện chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thời gian qua, lượng vốn đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên, trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư, khai thác ở thị trường Ấn Độ. Gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đang tăng trưởng ấn tượng và đang ở mức hơn 12 tỷ USD.
CÙNG HỢP TÁC KHAI THÁC THẾ MẠNH
Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải đối mặt do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ khâu cung ứng nguyên vật liệu đến khâu sản xuất, tiêu thụ đã bị đứt gãy làm cho nền kinh tế đình đốn, mất việc làm và gây ra các hệ lụy xã hội khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả nên đã đạt được "mục tiêu kép": phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh.
Ông Don Lâm, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, chia sẻ: "Mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, khu vực tư nhân của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Năm 2020, cả nước có gần 135.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 2.200 ngàn tỷ đồng (94 tỷ USD), tăng 29% về vốn đăng ký so với năm trước".
Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Ấn Độ mới chỉ đạt hơn 2,7 tỷ USD. Chỉ 3 năm sau đã đạt hơn 4,5 tỷ USD (tăng hơn 65%). Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ là sắt thép các loại, máy móc thiết bị, dược phẩm, hàng thủy sản, linh kiện phụ tùng ô tô... Trong khoảng thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng gần ba lần, từ 2,6 tỷ USD đến xấp xỉ 6,7 tỷ USD.
Cũng theo ông Don Lâm, các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, kim loại thường, hóa chất... Ở chiều ngược lại, các công ty Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, đào tạo công nghệ thông tin, cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.
Và để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa ở các lĩnh vực tiềm năng, đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Pranay Verma, mong muốn trong thời gian tới, hai nước có thể liên kết với nhau trong những ngành nghề thế mạnh. Chẳng hạn như, Việt Nam có thế mạnh nổi trội như chế biến thực phẩm nông nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Công nghệ thông tin cũng là lĩnh vực 2 quốc gia có thể liên kết lâu dài. Bên cạnh đó, Việt Nam có kinh nghiệm tốt về thúc đẩy du lịch – đây là lĩnh vực chiến lược thúc đẩy kinh tế. Ấn Độ sẵn sàng mở ta nhiều phương án để doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cũng cho rằng, với dân số hơn 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là một trong những thị trường đầy tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khai tác, mở rộng thị trường, nhất là lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm... Đặc biệt, với cơ chế hợp tác ngày càng đa dạng, phong phú, doanh nghiệp Việt cũng có thể đẩy mạnh hợp tác, học hỏi kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ như tài chính, công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI ĐẦU TƯ
Ngoài sự khác biệt về văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp hai bên vẫn còn rất ít thông tin về thị trường của nhau, cũng như thông tin về các doanh nghiệp hai bên rất hạn chế. Một phần lý do của vấn đề này là do ít hoạt động xúc tiến thương mại.
Ông Pranay Verma, cho rằng, nguyên nhân là do thiếu kết nối trực tiếp, giao thương giữa người với người. Hai bên cần phải mở rộng, tăng cường quan hệ thương mại để phát huy hết tiềm năng.
"Trước đây Việt Nam - Ấn Độ có chuyến bay trực tiếp từ năm 2019, nhưng đến năm 2020 tạm dừng đến nay do dịch bệnh Covid-19. Thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng và đẩy mạnh kết nối đường bộ. Trước mắt, chúng tôi đã có nghiên cứu kết nối đường bộ từ Ấn Độ - Myanma - Thái Lan, sau đó sẽ đến Lào - Campuchia - Việt Nam. Nếu thành công, việc kết nối giao thương của Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày thêm thuận lợi", Đại sứ Pranay Verma nhấn mạnh.
"Việt Nam hoan nghênh và chào đón các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam, trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phụ trợ ô tô, công nghệ thông tin và truyền thông; năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới sáng tạo... Đây là những lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của các doanh nghiệp Ấn Độ và định hướng thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư , Trần Duy Đông, nói.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông, cũng cho rằng, để thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng tốc phát triển sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần nắm bắt cơ hội hợp tác trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung để thúc đẩy xuất nhập khẩu, cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị trong năm 2021, hai bên sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối đầu tư nhằm trao đổi với nhiều hình thức đa dạng (trực tiếp và trực tuyến) để nhận diện cơ hội và thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác đầu tư hai chiều. Đồng thời, tạo cơ hội để doanh nghiệp các bên kết nối, tìm kiếm lẫn nhau, cụ thể hóa thành các chương trình, dự án đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ cùng các Bộ, ngành và các địa phương của Việt Nam đồng hành với doanh nghiệp Ấn Độ, để cùng nhau hợp tác phát triển bền vững, hướng đến sự thành công và hiệu quả của hai bên, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ lên tầm cao mới.