Tuần qua (ngày 18/1 đến 23/1), giá lúa gạo, tiêu nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, mặt hàng càphê lại chứng kiến sự lao dốc mạnh, giảm tới 900 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá càphê giảm. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, tương đương so với tuần trước. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.700 - 6.900 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 từ 7.200-7.300 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng duy trì giá ổn định từ 6.800-7.000 đồng/kg; hay lúa Nhật từ 7.700-7.900 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang cũng giữ ổn định. Giá gạo thường dao động ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 15.00-16.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Hương lài 19.500 đồng/kg... tấm thường 12.500 đồng/kg.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại-Bộ Công Thương, giá gạo nguyên liệu IR 50404 đứng ở mức 10.050 đồng/kg, loại gạo thành phẩm IR 50404 là 11.300 đồng/kg; tấm loại 1 IR 50404 là 10.100 đồng/kg. Thị trường giao dịch trầm lắng.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã công bố danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đến tính đến ngày 18/1/2021. Theo đó, cả nước có 205 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 43 doanh nghiệp. Tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp; Long An 25 doanh nghiệp; An Giang 20 doanh nghiệp; Đồng Tháp 18 doanh nghiệp; Hà Nội và Tiền Giang 8 doanh nghiệp.
Vụ Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông năm 2020, sản lượng lúa của Đồng Tháp đạt hơn 3 triệu tấn. Đặc biệt, tỉnh thực hiện xả lũ luân phiên trên cánh đồng sản xuất 3 vụ đã góp phần tăng năng suất bình quân 125kg/ha/vụ, giá thành sản xuất bình quân đạt 3.031 đồng/kg, giảm 203 đồng/kg so cùng kỳ, lợi nhuận bình quân đạt 18,86 triệu đồng/ha/vụ, tăng hơn 6 triệu đồng/ha/vụ so cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng giống lúa IR 50404 chiếm 17,4% (giảm 6,8% so cùng kỳ), tỷ lệ trồng nếp chiếm 20,6% (tăng 12,1% so năm 2019) và tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản chiếm 62%.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, sau khi bật tăng trở lại vào tuần trước, tuần vừa qua giá càphê ở khu vực Tây Nguyên lại lao dốc và mất mốc 32.000 đồng/kg. Giá càphê ngày 23/1 dao động ở mức 30.900-31.300 đồng/kg, giảm 900 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá càphê thấp nhất tại Lâm Đồng là 30.900 đồng. Còn các các địa phương khác như: Gia Lai, Đắk Nông có giá 31.200 đồng/kg; tại Đắk Lắk giá cao nhất 31.300 đồng/kg.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.377 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Càphê Cacao Việt Nam (Vicofa), dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2020-2021 giảm từ 10-15%. Trong khi đó, giá càphê vẫn bấp bênh khiến khối lượng càphê thu mua trong dân thấp hơn nhiều so với niên vụ trước. Giá càphê ở mức thấp khiến người trồng tiếp tục gặp khó khăn.
Hiện phần lớn người trồng càphê đã xen canh nhiều loại cây trồng, nên áp lực bán hàng cũng không còn diễn ra ồ ạt như các năm trước.
Về mặt hàng tiêu, theo Tintaynguyen, nhìn chung mặt hàng này có giá duy trì ổn định. Giá tiêu ngày 23/1 trong khoảng 50.500-53.000 đồng/kg, tương đương so với cuối tuần trước.
Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa-Vũng Tàu là 53.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 51.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức thấp nhất là 50.500 đồng/kg.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group nhận định, thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục khó khăn vào quý 1 và quý 2/2021. Phân khúc nhà hàng, khách sạn ở châu Âu tiêu thụ rất nhiều hồ tiêu của Việt Nam nhưng hiện cũng đang bị tê liệt. Thời điểm hiện tại đang vào vụ tiêu và cà phê nhưng các doanh nghiệp lại không xuất khẩu được.
Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn giảm mạnh trong phiên ngày 22/1; trong đó giá ngô giảm nhiều nhất.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2021 giảm 23,75 xu Mỹ (4,53%) xuống 5,005 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 58,5 xu Mỹ (4,27%) xuống 13,1175 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 3/2021 giảm 26,25 xu Mỹ (3,97%) xuống 6,435 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá nông sản kỳ hạn trên CBOT giảm mạnh do các nhà đầu tư tiến hành bán tháo. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo trong tuần qua tính đến ngày 14/1, Mỹ bán 12,1 triệu bushel lúa mỳ và 66,8 triệu bushel đậu tương.
Trong niên vụ 2020-2021, Mỹ đã bán 785 triệu bushel lúa mỳ, tăng 5% so với niên vụ trước, 1.843 triệu tấn ngô (tăng 131%) và 2.108 triệu bushel. Ngoài ra, Mỹ còn bán 2,115 triệu tấn đậu tương.
Thị trường gạo châu Á cho thấy, nguồn cung thực phẩm toàn cầu cơ bản siết chặt và gián đoạn vận chuyển do đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 gây ra đang làm tăng giá gạo, loại lương thực chính quan trọng nhất của hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Giá gạo chuẩn đã tăng 20-45% ở các nước sản xuất gạo chính của châu Á vào năm ngoái, trong khi nhu cầu về gạo chất lượng thấp hơn làm thức ăn chăn nuôi thay thế và chi phí vận chuyển tăng cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các quốc gia nghèo hơn vốn phụ thuộc vào gạo nhập khẩu có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Đồng thời, theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc đã đẩy giá ngũ cốc toàn cầu lên mức cao nhất trong 6 năm.
Theo các nhà cung cấp địa phương, giá gạo tại Ấn Độ đã tăng lên 280 USD/tấn, miễn phí vận chuyển tại một số cảng của Ấn Độ, từ mức 260 USD trong tháng 12/2020 và có khả năng sẽ tăng cao hơn nữa.
Thị trường gạo toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Đông Nam Á khiến lô hàng từ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới là Thái Lan và Việt Nam giảm hơn 25% trong giai đoạn từ tháng 1-11/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam lần lượt tăng 19% và 45% so với một năm trước, trong khi giá gạo nội địa ở Trung Quốc đại lục tăng khoảng 25%.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 500 - 505 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp, cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ ở các thị trường có nhu cầu lớn như Philippines hay châu Phi, mà vừa qua, hàng loạt hiệp định thương mại tự do được thực thi sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị cho gạo Việt.
Về thị trường càphê châu Á, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Giá càphê giao ngay tháng 3 giảm thêm 13 USD, xuống 1.310 USD/tấn và giá càphê giao tháng 5 cũng giảm còn 1.322 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York đảo chiều giảm trở lại. Giá càphê giao tháng 3 giảm 2,4 xu Mỹ, xuống 124,05 xu Mỹ/lb (1b = 0,4535 kg) và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 2,3 cent, còn 126,2 xu Mỹ/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.