Phó chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia: 'Tôi cho rằng Nghị định 100 là điểm sáng trong nhiệm kỳ này của Chính phủ'


(VNF) - Nhiều năm qua, tai nạn giao thông (TNGT) được coi như một "cuộc chiến", có những thời điểm, "sáng sớm mỗi ngày 40 người dắt xe ra khỏi nhà và mãi mãi không bao giờ trở về nữa". Đó là trách nhiệm, là nỗi đau của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể... nhưng chưa có lời giải. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 - 2020 ghi dấu ấn mạnh khi TNGT giảm sâu. VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia về vấn đề này.

Lần đầu tiên giảm xuống dưới 7.000 người chết/năm

Thưa ông, năm 2020 ghi nhận số tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu nhất trên cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người bị thương và số người chết. Qua đó, góp phần đưa TNGT giảm mạnh trong giai đoạn 2016-2020. Vì đâu có những thành tích đó thưa ông?

Theo thống kê từ Bộ Công an, so sánh giai đoạn 2016-2020 và 5 năm trước số vụ TNGT giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91%.

Đặc biệt năm 2020, là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, cũng như thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và xác định chủ đề của năm là “Đã uống rượu, bia không lái xe” với mục tiêu – Tính mạng con người là trên hết.

Mặc dù năm 2020 trước bối cảnh cả nước tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid 19, tạm dừng, giãn, hoãn, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, giảm thiểu nhu cầu đi lại và các hoạt động vận tải không thiết yếu, nhu cầu và mật độ giao thông trên toàn quốc giảm rõ rệt, lực lượng phải dàn trải tham gia chống dịch, nhưng lực lượng CAND vẫn tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là trong hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm đối với vi phạm nồng độ cồn.

Ngoài ra, Bộ GTVT thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện nghiêm việc quản lý ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải, nâng cao an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt.

Do vậy, đã góp phần kéo giảm TNGT sâu nhất trong vòng 10 năm qua, cụ thể số vụ giảm 17,66%, số người bị thương giảm 20,7%, số người chết giảm 12,12% và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người. Kết quả này khẳng định các giải pháp bảo đảm TTATGT mà chúng ta đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao.

Nhiều "điểm đen" giao thông đã được xoá

Theo ông, để đạt được những thành tích đã nêu, chúng ta đã có những hành động, giải pháp gì?

Như đã phân tích ở trên, để đạt được những thành tích đó đã khẳng định các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) mà chúng ta đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao. Cụ thể:

Ngay từ năm 2016, các Bộ, ngành, đoàn thể, cấp uỷ chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm đồng thời tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chỉ thị 18 của Ban Bí thư và Nghị quyết 88 của Chính phủ để tham mưu trình Ban Bí thư ban hành Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18 ngày 04/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, đề ra các nhóm giải pháp để cả hệ thống chính trị cùng triển khai thực hiện từ trung ương đến cơ sở.

Năm 2019 với nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia; ngay sau đó Chính phủ kịp thời ban hành và chỉ đạo ra quân thực hiện nghiêm từ 1/01/2020 Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn, đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Tôi cho rằng, việc ban hành và triển khai NĐ 100 là điểm sáng trong nhiệm kỳ này của Chính phủ.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành giáo dục, hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, các đoàn thể chính trị-xã hội triển khai đồng bộ, lấy trọng tâm là chủ đề Năm an toàn giao thông, tổ chức các sự kiện lớn vận động “Toàn dân thực hiện Đã uống rượu bia -không lái xe”, “Toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”, “Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông…”  tạo động lực để lan toả thông điệp về an toàn giao thông, tạo sự thay đổi về nhận thức của người dân, từng bước hình thành văn hoá giao thông trong toàn xã hội.

Chúng ta vui mừng nhận thấy tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy của người lớn đã ở mức trên 85%, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở trẻ em trước năm 2017 chỉ ở mức 38% nay đã đạt gần 80%. Nhiều người dân có thói quen mới lựa chọn taxi, xe ôm  hay nhờ người chở khi đi dự các bữa ăn, đám hiếu, hỉ mà họ phải uống rượu; hiện tượng mời, ép nhau uống rượu nếu biết bạn mình phải lái xe khi ra về cũng giảm rất nhiều.

Công tác kiểm tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT và thanh tra chuyên ngành GTVT được Bộ Công an, Bộ GTVT và cấp uỷ chính quyền địa phương chỉ đạo, tập trung xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân gây TNGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma tuý, chạy quá tốc độ, chở quá tải trọng cho phép.

Đặc biệt trong năm 2020, lực lượng Công an, nòng cốt là cảnh sát giao thông, đã đồng loạt ra quân và duy trì thực hiện nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ từ ngày đầu tiên của năm là động lực quan trọng để tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân, kéo giảm tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, thời gian qua, kết cấu hạ tầng giao thông đã được nâng cấp, đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt công tác sửa chữa, bảo trì các công trình kết cấu hạ tầng hiện hữu, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, từng bước xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, tạo môi trường an toàn, thuận tiện cho hoạt động tham gia giao thông.

Đáng chú ý, những cung đưởng nguy hiểm với những điểm đen nổi tiếng như Đèo Thung Khe, Dốc Cun (trên Quốc lộ 6), Đèo Lò Xo (trên Đường Hồ  Chí Minh) và nhiều cung đường khác đã an toàn hơn vì những điểm đen đã được xử lý dứt điểm.

Đặc biệt vào những ngày cuối năm 2020 hệ thống thu phí điện tử không dừng cơ bản đã được triển khai trên toàn quốc; đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất và mặt cầu Thăng Long được sửa chữa xong, Tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được khánh thành, nối thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cũng như Lễ Khởi động dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã được thực hiện.

"Tôi cho rằng Nghị định 100 là điểm sáng trong nhiệm kỳ này của Chính phủ"

Ông đánh giá như thế nào khi Nghị định 100 đi vào cuộc sống với nhiều hình thức tăng nặng. Phải chăng đây cũng là liều thuốc mạnh đối với một số hành vi vi phạm giao thông, giúp giảm thiểu TNGT.

Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Chúng ta cần phải khẳng định rằng, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn mà cụ thể hơn là xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia không phải là vấn đề mới mà đã được thực hiện lâu nay, và những quy định trong NĐ 100 ở trên chỉ quy định cụ thể hơn, cũng như nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, nhất là vi phạm quy định nồng độ cồn, nhằm mục đích đảm bảo mức phạt phù hợp với mức độ vi phạm, bảo đảm tính răn đe giáo dục.

Việc kịp thời ban hành 2 văn bản pháp lý này là một trong nhưng điểm sáng trong công tác bảo đảm TTATGT năm 2020, như đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2015-2020, qua đó đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, góp phần không nhỏ vào việc kéo giảm TNGT trong năm 2020. Tôi cho rằng Nghị định 100 là điểm sáng trong nhiệm kỳ này của Chính phủ.

Bộ Công an đang hoàn thiện Quy định mới về thống kê TNGT đường bộ

Có những thông tin cho rằng, số liệu thống kê tại một số địa phương chưa thật chính xác do chưa đánh giá hết cả số người bị thương, sau đó đưa vào viện mới chết, điều này đúng hay sai, thưa ông?

Theo quy định tại Luật Thống kê, số liệu thống kê tai nạn giao thông do Bộ Công an thu thập, công bố và đưa vào niên giám thống kê. Đây là số liệu chính thức để Uỷ ban ATGT Quốc gia sử dụng trong các báo cáo và cung cấp cho các tổ chức, cá nhân quan tâm cũng như cho người dân.

Bên cạnh đó, Luật thống kê cũng quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm thống kê tai nạn thương tích, trong đó có số liệu thương vong do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do phương pháp thống kê khác nhau cho nên về số liệu thương vong do TNGT gây ra có sự chênh lệch giữa con số công bố của Bộ Công an và Bộ Y tế.

Đặc biệt là số liệu TNGT của Bộ Công an thống kê số vụ TNGT và con số thương vong do lực lượng công an giải quyết. Trong khi ngành Y tế thống kê số trường hợp vào khám cấp cứu TNGT theo tường trình của nạn nhân, bao gồm cả những trường hợp nạn nhân của vụ TNGT xảy ra do Công an giải quyết, các vụ TNGT mà nạn nhân hoặc người làm chứng không báo cho Công an giải quyết.

Bên cạnh đó có tình trạng người vào khám cấp cứu thương tích do các nguyên nhân khác (tai nạn lao động, đánh nhau…) nhưng lại khai là do TNGT để được ưu tiên cấp cứu và trốn tránh nghĩa vụ pháp lý .

Bên cạnh đó, còn có sự sai khác giữa số liệu công bố chính thức về người tử vong do TNGT đường bộ do Chính phủ Việt Nam (Bộ Công an) công bố với số người tử vong do TNGT tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trong Báo cáo ATGT Đường bộ toàn cầu.

Nguyên nhân chủ yếu của sự sai khác này chính là định nghĩa về người tử vong do TNGT đường bộ do pháp luật Việt Nam quy định về cơ bản chỉ thể hiện con số người tử vong trực tiếp tại hiện trường, trong khi đó số liệu của WHO thường áp dụng tiêu chí tử vong trong vòng 30 ngày kể từ khi xảy ra tai nạn giao thông. 

Hiện nay, Bộ Công an đang hoàn hiện và chuẩn bị ban hành Quy định mới về thống kê TNGT đường bộ theo thông lệ quốc tế để khắc phục các bất cập trên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội