Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 'siêu thận trọng' của Vietcombank


(VNF) - Nếu nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 công bố mới đây, có thể thấy kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 12% trong năm 2021 của Vietcombank là "siêu thận trọng".

Tại hội nghị triển khai hoạt động kinh doanh năm 2021 diễn ra cách đây khoảng 2 tuần, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) cho biết kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2021 là 12%.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 công bố mới đây, có thể thấy kế hoạch này của Vietcombank là "siêu thận trọng".

Đầu tiên, hoạt động kinh doanh đang dần cải thiện. Tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank cả năm 2020 là 48.998 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2019. Tuy nhiên, tính riêng quý IV, tổng thu của ngân hàng này là 14.393 tỷ đồng, tăng trưởng tới 35%.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mức tăng trưởng mạnh trong quý IV/2020 là việc Vietcombank ghi nhận một phần phí trả trước từ hãng bảo hiểm FWD theo hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassurance). Đây sẽ là lực đẩy quan trọng cho lợi nhuận của Vietcombank trong năm 2021.

Ngay cả khi xét riêng mảng tín dụng, kết quả kinh doanh quý IV/2020 của ngân hàng này cũng cải thiện rõ rệt khi thu nhập lãi thuần tăng trưởng tới 20% so với cùng kỳ năm 2019 (chủ yếu nhờ chi phí huy động vốn giảm), cao hơn nhiều mức tăng trưởng cả năm là 4,8%.

Năm 2021, nguồn thu từ hoạt động tín dụng dự kiến sẽ tăng mạnh bởi chỉ riêng trong quý IV/2020, đã có hơn 56.000 tỷ đồng dư nợ cho vay tăng thêm tại Vietcombank, cao hơn mức tăng lũy kế 3 quý đầu năm (hơn 49.000 tỷ đồng), giúp tăng trưởng dư nợ cho vay vọt lên từ mức 6,7% (lũy kế 3 quý) lên 14,3% (lũy kế cả năm).

Dư nợ tăng mạnh trong quý cuối cùng của năm 2020 sẽ tạo ra lượng lớn doanh thu gối đầu trong nửa đầu năm 2021, trở thành động lực lớn cho tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank trong năm nay.

Thứ hai, chất lượng các khoản cho vay trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không xấu như dự báo. Theo chia sẻ từ lãnh đạo Vietcombank, tổng giá trị các khoản cho vay tái cơ cấu theo Thông tư 01 tính đến cuối quý IV/2020 vào khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn cỡ khoảng 5.000 tỷ đồng so với tổng giá trị các khoản vay tái cơ cấu tính đến cuối quý III/2020, cho thấy sự cải thiện về chất lượng dư nợ.

Cùng với đó, theo báo cáo tài chính, năm 2020, lượng dự phòng dùng để xử lý các khoản nợ xấu của Vietcombank chỉ ở mức 2.805 tỷ đồng, thấp hơn nhiều năm 2019 (4.502 tỷ đồng), cho thấy áp lực suy giảm chất lượng tài sản không thực sự lớn.

Thứ ba, trích lập dự phòng không còn tạo áp lực. Trong năm 2020, Vietcombank đã trích lập dự phòng rủi ro một cách khá cực đoan. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cả năm là 9.916 tỷ đồng, nhưng nếu loại bỏ đi khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro 2.000 tỷ đồng đối với khoản cho vay các tổ chức tín dụng thì tổng chi phí trích lập dự phòng lên đến gần 12.000 tỷ đồng, trong đó: 159 tỷ đồng là dự phòng chung rủi ro trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, 612 tỷ đồng dự phòng chung rủi ro cho vay khách hàng và 11.144 tỷ đồng dự phòng cụ thể rủi ro cho vay khách hàng.

Nhờ đó, số dư dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng vọt từ mức 10.416 tỷ đồng cuối năm 2019 lên mức 19.367 tỷ đồng cuối năm 2020, tương đương mức tăng tới 86%.

Trong khi đó, cùng thời gian, tổng nợ xấu lại giảm từ 5.803 tỷ đồng xuống 5.229 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó giảm từ 0,79% xuống 0,62%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu theo đó tăng từ 179% lên mức "không tưởng" 370%.

Thậm chí, nếu coi như toàn bộ nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 tại thời điểm cuối năm 2020 trở thành nợ xấu, thì tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cũng chỉ cỡ khoảng 1,3% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức rất cao, khoảng 170%.

Những yếu tố trên, cùng với các biện pháp thúc đẩy kinh doanh trong năm 2021, có thể nhìn nhận kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 12% là "siêu thận trọng" trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong tầm kiểm soát.

Trên thực tế, nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 6%; huy động vốn thị trường tổ chức kinh tế và dân cư tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12% trong năm 2021 của Vietcombank, cũng có thể cảm nhận được rõ rệt quan điểm "siêu thận trọng" này, bởi năm 2020, dù chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, tổng tài sản của Vietcombank vẫn tăng 8,6%, huy động vốn thị trường tổ chức kinh tế và dân cư tăng 11,2% và dư nợ tín dụng tăng khoảng 14%.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội