Cảnh báo những “lỗ hổng” về đảm bảo an toàn thông tin mạng


(HBĐT) - Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 50 công chức, viên chức được giao chuyên trách về CNTT. Nhưng trong đó chỉ có 3 công chức được đào tạo chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin (ANTT). Thực tế trên cho thấy, việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin mạng trên địa bàn tỉnh là vấn đề đáng lưu tâm.



Công an huyện Tân Lạc làm việc với đối tượng đưa thông tin sai sự thật, xấu, độc lên mạng xã hội.

Ưu tiên đầu tư hệ thống an toàn, an ninh thông tin

Sự kết nối, tương tác thông qua internet, không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành đã chú trọng, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT nhằm hướng tới xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, xã hội số, nền kinh tế số. Song song với đó, tỉnh tập trung nguồn lực tăng cường đầu tư hệ thống an toàn, ANTT.

Theo thống kê, từ năm 2019 đến tháng 1/2021, tỉnh đã đầu tư 54 tỷ đồng cho các chương trình, dự án về CNTT. Trong đó, dành 18 tỷ đồng (khoảng 33,3%) chi cho công tác bảo đảm an toàn, ANTT. Bao gồm việc đầu tư triển khai hoạt động thuê dịch vụ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung của tỉnh (khoảng 10 tỷ đồng trong 5 năm); mua sắm thiết bị nhằm nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; triển khai mạng diện rộng (WAN) dùng riêng của tỉnh trên nền tảng mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; mua sắm thiết bị tường lửa (firewall) bảo đảm an toàn thông tin cho mạng WAN của tỉnh; mua sắm phần mềm diệt virus có bản quyền cho các máy chủ, máy trạm của các cơ quan Nhà nước...

Cùng với đó, tỉnh thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng với thành viên là đội ngũ chuyên trách CNTT thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, đại diện doanh nghiệp viễn thông. Đội đã tham gia, trở thành thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin quốc gia, dưới sự điều phối của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam để liên kết, phối hợp với các Đội trên toàn quốc ứng phó với các sự cố an toàn thông tin trên không gian mạng... Năm 2020, Đội đã phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý, giải quyết hiệu quả một số sự cố như: Khắc phục lỗ hổng bảo mật có thể giúp tin tặc chiếm quyền quản trị hệ thống của trang thông tin điện tử Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Công báo điện tử tỉnh; khắc phục sự cố tài khoản hệ thống thư điện tử công vụ và phần mềm quản lý văn bản bị lộ mật khẩu, có thể giúp tin tặc sử dụng để khai thác dữ liệu, hồ sơ, văn bản, hoặc làm sai lệch nội dung dữ liệu hồ sơ, văn bản của các Sở: TN&MT, Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Xây dựng, NN&PTNT, VH-TT&DL.

Vẫn còn những "lỗ hổng” về đảm bảo an toàn

Mặc dù đã tập trung nguồn lực lớn để đầu tư phương tiện, thiết bị phù hợp, hiện đại phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin mạng của tỉnh, nhưng theo đồng chí Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT, bên cạnh những lợi ích không gian mạng đem lại, chúng ta cũng phải đối mặt với các nguy cơ như chiến tranh mạng, gián điệp mạng, tấn công mạng, tội phạm mạng và nhiều vấn đề phức tạp mới. Thời gian qua, các thế lực thù địch, tội phạm mạng gia tăng hoạt động nhằm thu thập thông tin, bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin; sử dụng internet, nhất là các trang mạng xã hội (MXH) với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 50 nghìn tài khoản MXH như facebook, zalo, youtube, trong đó, hơn 17 nghìn tài khoản là của cán bộ, công chức. Năm 2020, qua theo dõi, vấn đề an toàn, ANTT cơ bản được đảm bảo. Các cơ quan chức năng đã phối hợp đấu tranh, xử lý có hiệu quả các hoạt động lợi dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật. Như xác minh, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa bán khẩu trang y tế qua MXH, xác minh các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc mua bán hoa lan đột biến trên MXH, đối tượng lợi dụng internet để thực hiện hành vi đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, đề...; xác minh, xử lý các đối tượng tại TP Hòa Bình, các huyện: Kim Bôi, Đà Bắc, Yên Thủy... lợi dụng MXH để đăng tải, đưa thông tin sai sự thật với nội dung chống Đảng, Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách như các đối tượng: Đào Quang Thực ở xã Toàn Sơn (Đà Bắc), Nguyễn Văn Nghiêm ở TP Hòa Bình, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư ở xã Ngọc Lương (Yên Thủy)...

Tuy vậy, cũng theo đồng chí Hoàng Mạnh Cường, công tác đảm bảo an toàn, ANTT còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác quản lý Nhà nước về an toàn, an ninh mạng còn sơ hở, hệ thống văn bản chưa theo kịp tốc độ phát triển của lĩnh vực, nhất là đối với báo điện tử, MXH, trò chơi trực tuyến, thuê bao di động trả trước, hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông, internet. Quy định về xử lý, chế tài xử phạt vi phạm về an toàn, ANTT chưa đủ sức răn đe; hoạt động tấn công mạng, tội phạm mạng ngày càng gia tăng về quy mô, hình thức tấn công. Trong khi cơ sở thiết bị kỹ thuật chuyên dùng nhằm hỗ trợ các cơ quan chuyên trách về đảm bảo an toàn, ANTT mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Từ đó, dẫn đến việc triển khai công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm công nghệ cao hạn chế. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, chuyên viên phụ trách an toàn, ANTT tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu. Hiện chỉ có 3 công chức của Sở TT&TT được đào tạo chuyên sâu về an toàn, ANTT; số còn lại hầu như chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.


Mạnh Hùng


Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội