Nở rộ “cửa hàng tiện lợi” về tài chính


Xu hướng đầu tư các chuỗi cửa hàng cầm đồ tương tự như các chuỗi cửa hàng tiện lợi về thực phẩm và siêu thị tiêu dùng mini sẽ ngày càng phát triển và thu hút được sự quan tâm của dòng vốn cả trong và ngoài nước.

Giữa tháng 1 vừa qua, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã thông qua phương án góp vốn vào CTCP Người Bạn Vàng – đơn vị sở hữu chuỗi cầm đồ NBV với 21 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Nam. Với quyết định góp vốn này, PNJ sẽ đầu tư dưới 30% vốn điều lệ cho chuỗi cầm đồ NBV để doanh nghiệp này tiếp tục mở thêm các cửa hàng cầm đồ ở các địa phương ngoài TP.HCM.

Việc góp vốn của PNJ vào chuỗi cầm đồ NBV diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính của DN này là mua bán vàng bạc, trang sức gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều đó cũng cho thấy lựa chọn đầu tư vào các mô hình “cửa hàng tiện lợi” về tài chính đang ngày càng được nhiều DN lớn lựa chọn.

no ro cua hang tien loi ve tai chinh
Mô hình cầm đồ cần được chuẩn hóa với hành lang pháp lý minh bạch

Trước PNJ, trong năm 2020 liên tiếp các chuỗi cầm đồ tại Việt Nam là VietMoney, F88, T99 đều đã huy động được nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài và các DN, cá nhân trong nước.

Chẳng hạn, trong tháng 9/2020 chuỗi cầm đồ VietMoney đã nhận được 30% vốn điều lệ từ hai quỹ nước ngoài là Probus Opportunities và Digi Ventures. Doanh nghiệp này sau đó đã mở thêm một số cửa hàng mới tại TP.HCM, nâng tổng số cửa hàng cầm đồ lên mức 16 điểm giao dịch.

Chuỗi cầm đồ F88, sau 7 năm phát triển tại thị trường Việt Nam, trong năm 2020 cũng đã chính thức bắt tay với Tập đoàn Tài chính KB (KB Financial Group) của Hàn Quốc và hai quỹ tài chính khác là Mekong Enterprise Fund III và Granite Oak để chiếm lĩnh thị phần. Hiện nay chuỗi này đã xây dựng được khoảng 240 phòng giao dịch ở 35 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đặt mục tiêu sẽ đạt con số 1.000 điểm giao dịch vào năm 2023.

Một chuỗi cầm đồ lớn khác cũng vừa ra mắt ấn tượng trong tháng cuối năm 2020 đó là chuỗi cầm đồ T99. Với nền tảng sẵn có của hệ thống chuỗi cửa hàng T99 Luxury, T99 Tiểu thương và T99 Land, ngay sau khi ra mắt T99 đã sở hữu 500 phòng giao dịch cầm đồ trên cả nước với nguồn lực tài chính lên đến 1.300 tỷ đồng và huy động thành công vốn đầu tư từ các cá nhân nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật, có ảnh hưởng lan tỏa mạnh trong giới trẻ.

So với các lĩnh vực khác, hoạt động cầm đồ truyền thống vẫn bị xem là hoạt động khá nhạy cảm, tiềm ẩn những rủi ro vi phạm về cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, với sự góp mặt của ngày càng nhiều các mô hình cầm đồ trực tuyến hiện đại, chuyên nghiệp và sự đầu tư bài bản đến từ các quỹ tài chính quốc tế thì hoạt động cầm đồ đang dần dần minh bạch và thân thiện hơn. Xu hướng đầu tư các chuỗi cửa hàng cầm đồ tương tự như các chuỗi cửa hàng tiện lợi về thực phẩm và siêu thị tiêu dùng mini sẽ ngày càng phát triển và thu hút được sự quan tâm của dòng vốn cả trong và ngoài nước.

Vài năm trở lại đây, những tên tuổi lớn trong lĩnh vực cầm đồ tại Thái Lan là Srisawad cũng đã thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Với sự hậu thuẫn của Quỹ đầu tư Probus Opportunities, DN này thậm chí từng tuyên bố sẵn sàng chi hơn 523 tỷ đồng để mua lại Công ty Cho thuê tài chính Nông nghiệp I (ALC I) của Agribank. Số tiền này bao gồm cả 200 tỷ đồng vốn điều lệ và phần nợ gốc đã vay. Bên cạnh đó Srisawad cũng đã phát triển 40 chi nhánh và phòng giao dịch cầm đồ tại Việt Nam tập trung nhiều vào các món cầm đồ xe cơ giới và trả góp tiêu dùng.

Điều này cho thấy lực hút của lĩnh vực cầm đồ đang rất lớn và sẽ tiếp tục là lĩnh vực có tiềm năng đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp luật cũng nhấn mạnh rằng, mô hình cầm đồ cần được chuẩn hóa với hành lang pháp lý minh bạch.

Bởi theo LS. Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, trên thị trường hiện vẫn có một số doanh nghiệp hoạt động cầm đồ, nhưng lại núp bóng cho vay cầm cố tài sản, cho vay tiêu dùng; thậm chí có dấu hiệu của tín dụng đen. Trong khi Luật Các tổ chức tín dụng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng mà không được sự cho phép của NHNN. Các tiệm cầm đồ không phải là tổ chức tín dụng nên không có khái niệm cho vay tín chấp, cho vay thế chấp bằng sổ đỏ, đòi nợ, xử lý tài sản... Vì thế, nếu tiệm cầm đồ cho vay bất hợp pháp, lãi suất cho vay cao vượt quy định và đòi nợ bất hợp pháp là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đỗ Cường

Nguồn:

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội