Ngưỡng 1.200 điểm tiếp tục thách thức


Ngưỡng 1.200 điểm tiếp tục là một thách thức khó vượt qua của thị trường chứng khoán. Chỉ tính riêng phiên giao dịch ngày 19/1, VN-Index đã giảm khá mạnh 60,94 điểm, thậm chí có thời điểm giảm tới 74,7 điểm và đóng cửa ở mốc 1.131 điểm. Các phiên sau đó, thị trường có dấu hiệu phục hồi nhẹ lên 1.164 điểm. Dù vậy, nhiều nhận định cho rằng thời điểm này nhà đầu tư nên thận trọng khi thị trường đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, dù thị trường tăng điểm trong các phiên gần đây, rủi ro đảo chiều vẫn còn nguyên trong ngắn hạn do áp lực bán tại ngưỡng 1.200 điểm của VN-Index. Do đó, các nhà giao dịch nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống và chờ tín hiệu tiếp theo.

Công ty chứng khoán Everest cũng cho rằng, khi thị trường biến động tăng lên trên mức 1.300 điểm với P/E vượt mức 20 lần, thị trường bắt đầu đi vào vùng rất rủi ro. Số liệu lịch sử năm 2008 và số liệu gần nhất tháng 4/2018 đã từng ghi nhận P/E vượt mức này và ngay sau đó thị trường bắt đầu giảm mạnh. Thông thường mức giảm theo các kịch bản này có thể nhiều hơn 20%. Do đó, lưu ý nhà đầu tư thận trọng giao dịch tại vùng rủi ro này, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, tích luỹ tiền mặt hoặc bắt đầu rút ra khỏi thị trường khi VN-Index bắt đầu tiến vào vùng rủi ro nêu trên.

nguong 1200 diem tiep tuc thach thuc
Thị trường cần nhiều hơn các xung lực để vượt qua ngưỡng 1.200 điểm

Quan sát thị trường cho thấy kể từ đầu tháng 11/2020, VN-Index đã có một nhịp tăng mạnh mẽ từ 910 điểm đến vùng 1.200 điểm, tương ứng với mức tăng 30% trong chưa đầy 3 tháng. Suốt khoảng thời gian này, VN-Index không có nhịp điều chỉnh nào đúng nghĩa mà chỉ tăng ồ ạt, hay nói cách khác là hiện tượng tăng đang rất nóng. Nhà đầu tư đa phần đều có lời và sẵn sàng tâm lý bán ra một khi lực bán mạnh manh nha xuất hiện trên thị trường. Vì vậy, một sự điều chỉnh mạnh mẽ trong thời gian tới nếu xuất hiện cũng là điều phù hợp.

Một vấn đề gây chút lo âu cho nhà đầu tư chính là chất lượng cơ sở hạ tầng giao dịch, khi hệ thống nhận lệnh của HoSE hiện chưa đủ sức xử lý một lượng tiền ồ ạt đổ vào thị trường. Trong thời gian gần đây, mỗi khi thanh khoản thị trường chạm mốc 15.000 – 16.000 tỷ đồng, các lệnh đặt lại bị nghẽn hoặc bảng điện của tất cả các công ty chứng khoán đều chậm lại. Nếu HoSE không kịp thời nâng cấp hạ tầng giao dịch, giới đầu tư sẽ càng có lý do để lo ngại về khả năng hấp thụ dòng tiền và xu thế đi lên của VN-Index.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua có rất nhiều nhà đầu mới (F0) bước vào thị trường chứng khoán. Đây là nhóm nhà đầu tư chưa trang bị đủ kiến thức lẫn kinh nghiệm đầu tư nên tâm lý dễ dao động. Theo nhận định của các chuyên gia, trong một thị trường tăng ào ào, mua bán gì cũng đúng, khiến các nhà đầu tư này ngủ quên trên chiến thắng. Đặc biệt, nhóm nhà đầu tư mới chưa từng trải qua những đợt biến động mạnh của thị trường. Vì thế, lực bán chốt lời manh nha, kết hợp cùng dữ liệu hệ thống bị chậm đã nhanh chóng tạo thành hiệu ứng domino khi nhóm F0 lao vào bán tháo.

Thị trường cần nhiều hơn các xung lực để vượt qua ngưỡng 1.200 điểm. Thất bại trong việc chinh phục cột mốc này không phải là điều gì quá lớn mà có thể mở ra cơ hội để thị trường giải tỏa bớt áp lực, tích tụ thêm năng lượng cũng như sự tỉnh táo để tái lập mức đỉnh này trong thời gian không xa.

Thực tế, dù đối mặt với nhiều rung lắc gần đây, nhưng về cơ bản nền tảng của thị trường vẫn đang khá vững vàng. Công ty chứng khoán Everest đánh giá, Việt Nam đang có định giá rẻ so với các quốc gia trong khu vực với P/E khoảng 18,9 lần, trong khi các thị trường khác đều có P/E trên 22 lần.

Còn Công ty chứng khoán KBSV dự báo khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong nửa đầu năm 2021, khi áp lực giá tiêu dùng vẫn chưa đáng lo ngại. Điều này sẽ giúp nguồn vốn giá rẻ tiếp tục dồi dào đổ vào thị trường tài chính ít nhất là 2 quý đầu năm 2021.

Nam Minh

Nguồn:

Bài liên quan

Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 18-22/1

Tuần từ 18/01 - 22/01, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng – giảm qua các phiên trong tuần; Trên thị trường chứng khoán, mặc dù tăng tích cực nhiều phiên, thị trường vẫn chao đảo bởi một phiên giảm điểm mạnh...

QTDND Quý Sơn: Sức mạnh từ những người phụ nữ...

Có lẽ hiếm có QTDND nào mà từ chủ tịch HĐQT, giám đốc đến nhân viên giao dịch đều là nữ. Thế nhưng, tập thể toàn nữ ấy đang viết nên những câu chuyện đẹp khi chắt chiu từng đồng vốn nhỏ làm giàu cho các thành viên của mình. Giúp các thành viên ngày ...
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội