Cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm


Nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục được duy trì thường xuyên và đủ mạnh thì các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi, các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng trỗi dậy.

Ngày càng cách biệt với ASEAN4

Chuỗi Nghị quyết 19 và 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ liên tục ban hành từ năm 2014 tới nay, đã thực sự đi vào cuộc sống. Điều đó được thể hiện qua hơn 50% trong tổng số khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm và đơn giản hóa; Hầu hết các chỉ số của Việt Nam đều tăng điểm; các chỉ số xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) liên tục tăng trong những năm qua, năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam liên tục được cải thiện; chỉ số hiệu quả logistics được cải thiện rõ nét…

“Liên tục những năm qua cứ đúng ngày 01 tháng 01 là Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 (nay là Nghị quyết 02). Hành động này thể hiện rõ sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu.

cai thien moi truong kinh doanh tiep tuc la nhiem vu trong tam
Cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giải phóng tối đa năng lực của doanh nghiệp

Từ góc nhìn của doanh nghiệp cũng thấy, chất lượng môi trường kinh doanh có cải thiện tích cực trong những năm qua. Tuy nhiên đến nay vẫn còn điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt theo ông Đậu Anh Tuấn, mặc dù theo thống kê thì đã cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh, nhưng trong đó phần lớn là đơn giản hóa, số điều kiện kinh doanh được cắt giảm thực sự chỉ ở khoảng 20%.

“Thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế”, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Việt Thanh - chuyên gia Pháp chế của Tổng công ty May 10 cho biết, khi doanh nghiệp gặp vấn đề về giấy phép, đến hỏi Bộ này thì lại chỉ sang Bộ kia. Doanh nghiệp gửi lên tận Chính phủ thì Chính phủ lại giao trả văn bản cho các Bộ tự trả lời. Doanh nghiệp mong muốn tháo gỡ được điểm nghẽn này.

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, môi trường kinh doanh ở nước ta vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh và ẩn chứa rủi ro, chưa đảm bảo an toàn kinh doanh cho doanh nghiệp một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững. Hệ quả là môi trường kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách xa so với Singapore, Malaysia và Thái Lan, khiến cho mục tiêu đạt được trung bình của ASEAN 4 ngày càng trở nên thách thức.

Không quyết tâm, rào cản có thể tái xuất

Nhìn lại quá trình ban hành và thực hiện chuỗi nghị quyết này, TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM chỉ ra những bài học đắt giá. Trước hết là về thiết kế chính sách. Cụ thể là nội dung các nghị quyết đã sử dụng xếp hạng toàn cầu, thông lệ quốc tế tốt và đặt chỉ tiêu cụ thể, giải quyết trúng, đúng các vấn đề thực tiễn của môi trường kinh doanh nên đã thu hút sự ủng hộ, sự can dự của cộng đồng doanh nghiệp, tạo thêm sức ép cho sự thay đổi.

Thứ hai, các nghị quyết này thể hiện tính kế thừa và phát triển, năng động, sáng tạo, phù hợp và nhất quán khi có nhiều nội dung được kéo dài trong các nghị quyết sau để tiếp tục giải quyết những vấn đề chưa được xử lý dứt điểm. Nhưng ở nghị quyết năm sau đã mở rộng hơn cả chiều rộng và chiều sâu… Cách này đã làm cho chuỗi Nghị quyết 19-02 sống động, tạo nên sức ép liên tục từ đó có thể tạo ra sự thay đổi khác biệt so với trước. Kết quả là mức độ dễ dàng đối với hoạt động đầu tư kinh doanh đã tăng lên đáng kể.

Đặc biệt, “trong quá trình thực hiện đã có chỉ đạo liên tục của Chính phủ, của Thủ tướng và sự áp đặt phải thực hiện từ trên xuống, cộng với áp lực thúc ép cải cách từ bên ngoài và tiếng nói hối thúc từ doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời quá trình thực hiện được giám sát, theo dõi và liên tục đánh giá. Duy trì được việc này không đơn giản. Nhưng chính sự khởi đầu gian nan này với áp lực tạo sự thay đổi và… đã tạo nên sự chuyển động đáng kể”, ông Cung nói.

Bài học tiếp theo là vừa làm vừa phát triển, hoàn thiện đảm bảo đủ mức cụ thể, rõ ràng để thực hiện và phải có đánh giá độc lập, khách quan với sự tham gia các chuyên gia (vừa có lý luận, có thực tiễn và uy tín) và các hiệp hội doanh nghiệp... Phải đánh giá được kết quả đạt được, phát hiện và xác định được vấn đề, vướng mắc khó khăn của môi trường kinh doanh, đề xuất được giải pháp. Đây cũng chính là chất liệu bổ sung, hoàn thiện và phát triển nội dung cho nghị quyết năm tiếp theo. Nỗ lực này phải duy trì liên tục.

Tuy nhiên theo ông Cung, có hàng trăm nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết thời kỳ 2016-2021. Quá trình thực hiện vừa qua cho thấy, những nhiệm vụ cụ thể, mục tiêu cụ thể thì được thực hiện tốt và có kết quả khá toàn diện, có tác động lớn; nhưng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà không có cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm hầu như không thể thực hiện được.

Một bài học nữa là phải có bộ phận thường trực, chuyên trách về soạn thảo, theo dõi, đánh giá, báo cáo và liên tục hoàn thiện nội dung và cách thức tổ chức thực hiện. Bộ phận này không cần đông, nhưng phải tương đối độc lập, mạnh về chuyên môn, có kinh nghiệm trong cải cách - phát triển, có uy tín và có mạng lưới chuyên gia và doanh nghiệp góp ý kiến. Bộ phận này có khả năng tiếp cận và tư vấn trực tiếp cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng có liên quan và các nhà lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước...

Cuối cùng là nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục được duy trì thường xuyên và đủ mạnh thì các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi, các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại…

Từ góc nhìn đó ông Cung khuyến nghị, phải tiếp tục tạo thuận lợi, dễ dàng cho đầu tư, kinh doanh, gia tăng, gia cố an toàn trong đầu tư kinh doanh và tháo bỏ mọi rào cản dưới mọi hình thức hạn chế để không làm thui chột tự do kinh doanh.

Tri Nhân

Nguồn:

Bài liên quan

Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 18-22/1

Tuần từ 18/01 - 22/01, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng – giảm qua các phiên trong tuần; Trên thị trường chứng khoán, mặc dù tăng tích cực nhiều phiên, thị trường vẫn chao đảo bởi một phiên giảm điểm mạnh...

QTDND Quý Sơn: Sức mạnh từ những người phụ nữ...

Có lẽ hiếm có QTDND nào mà từ chủ tịch HĐQT, giám đốc đến nhân viên giao dịch đều là nữ. Thế nhưng, tập thể toàn nữ ấy đang viết nên những câu chuyện đẹp khi chắt chiu từng đồng vốn nhỏ làm giàu cho các thành viên của mình. Giúp các thành viên ngày ...

M2 chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

Trước giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19, Công ty Cổ phần M2 Việt Nam quyết định ngừng làm việc trực tiếp tại các không gian trong chuỗi Hệ thống 21 cửa hàng của M2 và chuyển sang giao dịch online từ 13h00 ngày 26/3/2020 đến 8h00 ngày ...
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội