Chuyên gia, nhà quản lý đề xuất phương án lắp hệ thống cứu sinh dọc sông Đào Nghệ An


(Baonghean.vn) -Trước thực trạng xảy ra những vụ tai nạn thương tâm trên dòng sông Đào, nhiều chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm cho rằng, cần phải sớm lắp đặt các hệ thống cứu sinh, thậm chí có thể xã hội hóa để làm lan can trên bờ sông.

Sau hơn 80 năm vận hành, hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An đã đem lại hiệu quả vô cùng to lớn, cung cấp nước, tưới tiêu cho một vùng đồng bằng rộng lớn của Nghệ An. Tuy nhiên, cũng xảy ra nhiều tai nạn, mỗi vụ tai nạn đều là những câu chuyện đau lòng.

Hiện nay hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về công trình thủy lợi gần như không có quy định nào để đảm bảo an toàn cho những trường hợp không may bị rơi xuống kênh. Vì vậy, cũng không thể trách người thiết kế trong những trường hợp này, họ đã làm đúng pháp luật. Tuy nhiên, theo tôi, với một con kênh lớn như sông Đào, vừa là hệ thống thủy lợi chủ lực của khu vực Bắc Nghệ An, vừa gánh vác thêm chức năng giao thông, lại đi qua nhiều vùng dân cư khá trù mật, thì trong lúc ưu tiên cao độ cho mục tiêu chính, cũng phải nhìn nhận một thực tế tuyến kênh này đã và đang có nguy cơ đe dọa đến an toàn cho người dân ở hai bên bờ, nhất là những người già, trẻ em. 

Chúng ta phải làm thế nào để vừa đạt được mục tiêu chính về chức năng thủy lợi, giao thông, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện nay tiêu chuẩn Việt Nam về bảo vệ đê điều, bảo vệ các hành lang thì đã có, nhưng gần như chưa có những quy chuẩn về đảm bảo an toàn cho người dân khi có tuyến kênh đi qua, đây thực sự là một điều rất cần quan tâm.

Trong lúc mái kênh đang được sửa chữa thì cần phải bổ sung thêm các thiết bị cứu sinh và lan can bảo vệ nhằm hạn chế các trường hợp thương tâm xảy ra. Ảnh: Tiến Đông

Thiết nghĩ, các nhà làm luật, các nhà nghiên cứu về tiêu chuẩn nên bổ sung các quy chuẩn về đảm bảo an toàn, trong đó, có tính đến cả an toàn cho những người làm việc trên dòng kênh, hoặc những trường hợp chẳng may sa xuống kênh. Thực tế, việc lắp đặt các thiết bị bảo vệ, các thiết bị cứu sinh sẽ không tốn kém nhiều và cũng không gây cản trở nhiều đến dòng chảy. Chẳng hạn, tôi thấy các tấm bê tông lát lòng kênh thường có móc sắt để cẩu lên, lắp đặt khi thi công. Nên chăng cần tính toán để để lại những móc sắt này, với những khoảng cách nhất định. Việc này vừa không làm phát sinh kinh phí, vừa là giải pháp cứu hộ lúc cần thiết. Ở những đoạn kênh đi qua khu dân cư cần có lan can bảo vệ.

Về khía cạnh khác, cũng cần phải tăng cường tuyên truyền cảnh báo cho người dân, nhất là những người lớn tuổi, trẻ em, những người không biết bơi những nguy cơ mất an toàn khi lưu thông dọc kênh. 

Tuyến kênh thủy lợi từ Bara Đô Lương chảy xuôi về các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu là loại kênh hở thiết kế hình thang, đây là loại kênh có lợi nhất về mặt thủy lực, nhưng bất cập là kênh lớn không thể lắp đặt nắp đậy, vì vậy, đòi hỏi phải có các biện pháp cảnh báo, bảo vệ.  

Bên cạnh phục vụ cho vấn đề tưới tiêu thì khi thiết kế, thi công một tuyến kênh cần phải quan tâm đến vấn đề dân sinh. Nhất là các kênh chính, đi qua khu dân cư có đường dân sinh hai bên bờ kênh thì phải quan tâm đến vấn đề an toàn, phải có các thiết bị bảo vệ.

Đặc biệt, khi không may bị rơi xuống kênh thì phải có các vị trí để bấu víu. Nếu không mỗi lần xảy ra sự cố lại phải đóng nước thì sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất mùa vụ, gây tốn kém. Vì kênh chính có lưu lượng dòng chảy từ 30-40m3/s, tiết diện kênh lớn, chiều sâu nước cao nên việc cắm các móc chữ U hay các đoạn xích sắt nó không tốn kém nhiều so với tổng chi phí xây dựng và không gây ảnh hưởng gì đến lưu lượng dòng chảy.

Trước thực trạng này, tôi nghĩ chính quyền các địa phương cần phải có ý kiến về việc bổ sung các thiết bị đảm bảo an toàn, các bậc lên xuống nơi tuyến kênh đi qua khu dân cư để trong quá trình đang thi công dự án để có thể kịp thời tiến hành ngay. 

Thực sự rất đau lòng khi năm nào cũng nghe tin có người đuối nước trên tuyến kênh đào này, trong đó, phần lớn là trẻ em, học sinh. Tôi nghĩ rằng, nếu vì lý do khách quan là điều khó tránh khỏi, còn nếu như vì lý do chủ quan, chúng ta có thể khắc phục được thì cần sớm thực hiện ngay. Chúng ta cần sớm nhìn nhận những bất cập mà tuyến kênh này gây ra.

Cơ quan chức năng cần phải lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của nhân dân hai bên tuyến kênh để có sự điều chỉnh. Không có lý do gì khi chúng ta biết trước được những hậu quả thương tâm có thể xuất hiện mà không có biện pháp để xử lý.

Nếu lo ngại về kinh phí thì chúng ta có thể làm từng bước, ở những đoạn có nguy cơ cao, mật độ dân cư đông, thậm chí có thể huy động nguồn xã hội hóa để làm.

Ông Trần Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương:

Nhằm phòng tránh đuối nước trên con sông Đào, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các tổ chức như Đoàn thanh niên, tiến hành cắm các biển cảnh báo. Tuy nhiên, ở những điểm mật độ người dân qua lại đông, các bến lên xuống, đề nghị đơn vị quản lý cần phải lắp đặt thêm các lan can, các phương tiện cứu sinh, cứu hộ để khi chẳng may có người đuối nước sẽ được ứng cứu kịp thời.

Những nơi có mật độ người qua lại đông, cần phải bổ sung các biện pháp bảo vệ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: 

Trước khi xây dựng dự án kênh đào, các địa phương có kênh này đi qua đã khảo sát và trình lên cấp trên số lượng bến rửa. Khi đi qua huyện Yên Thành, với chiều dài khoảng 30 km được xây dựng 43 bến rửa 2 bên dọc kênh. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi cũng đang tiếp tục cho các xã rà soát, đề xuất nếu cần xây dựng thêm các bến rửa, huyện Yên Thành sẽ trình lên Sở Nông nghiệp và PTNT để xem xét.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội