Nụ cười ở 115 ngôi làng Quảng Nam bình an trong bão lũ


Năm 2020, nhiều ngôi làng ở tỉnh Quảng Nam tan hoang, thậm chí bị xóa sổ vì sạt lở núi. Ở huyện biên giới Tây Giang, 115 ngôi làng gần 19.000 người vẫn bình yên.

Dời làng vì ám ảnh tai họa núi đè

Quảng Nam vừa trải qua một năm đầy gian nan khi nhiều nơi sạt lở núi khiến cả làng bị chôn vùi. Riêng Tây Giang, một huyện biên giới phía Tây Quảng Nam, dù nhiều tuần liền bị chia cắt nhưng không một người dân nào chết vì lở đất. Thành quả này nhờ vào quyết định di dời làng từ năm 2005.

Ông Bhling Mia – Bí thư huyện uỷ huyện Tây Giang - cho hay, những ngày đầu UBND huyện Tây Giang được thành lập, lãnh đạo chính quyền chủ yếu là bà con địa phương nên hiểu rõ ẩn họa núi đè mỗi mùa mưa đến. Người dân Tây Giang chủ yếu là dân tộc Cơ Tu, có tập tục sống dựa vào rừng và di cư. Nơi họ chọn lập làng chủ yếu ở vách núi, sườn đồi độ dốc lớn, gần những con suối.

Dân sinh - Nụ cười ở 115 ngôi làng Quảng Nam bình an trong bão lũ
Ông Bhling Mia vào tận thôn bản trò chuyện cùng người dân. 

Khi nhận thấy có nguy hại, họ lũ lượt kéo nhau lập làng mới. Cứ thế, ngôi làng cheo leo vách núi này dẹp bỏ lại có một ngôi làng tương tự được lập nên. Mùa nắng ráo, mọi thứ đều an bình. Tuy nhiên, mùa mưa lũ, nguy hiểm luôn luôn rình rập.

Đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra do thiên tai như lũ quét, lũ ống, lở núi. Do đó, nhiệm vụ quan trọng và hàng đầu được lãnh đạo huyện xác định là dời làng, đưa người dân đến nơi an toàn.

Người Cơ Tu sống dựa vào rừng, coi rừng là nơi linh thiêng nên không thể sử dụng mệnh lệnh màphải làm sao để người dân nhận thấy sự cần thiết phải dời làng và nơi ở mới tốt hơn nhiều so với nơi cũ. Do đó, lãnh đạo huyện chủ trương tiến hành di dời, bố trí, sắp xếp dân cư gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất và các hạng mục công trình.

Làng mới được chọn là những nơi cách xa vị trí dự báo có thể sạt lở, nằm ở khu vực bằng phẳng, gần nguồn nước và thuận tiện giao thông. Bên cạnh đó, các khu tái định cư mang tính đồng bộ từ điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi.

Đây không chỉ là nơi để người Cơ Tu sinh hoạt, phát triển kinh tế mà còn là nơi họ cảm thấy gần rừng, phù hợp với văn hoá làng, bảo tồn bản sắc văn hoá đồng bào của mình, gắn liền đảm bảo quốc phòng an ninh vì địa bàn là khu vực gần biên giới.

Dân sinh - Nụ cười ở 115 ngôi làng Quảng Nam bình an trong bão lũ (Hình 2).
Những ngôi làng bình yên vượt qua giông bão.

Với đồng bào người Cơ Tu, già làng là người có uy tín, tiếng nói quan trọng. Do đó, khi mọi thứ đã sắp xếp xong, lãnh đạo địa phương tiếp cận, trò chuyện, thuyết phục, phân tích sự cần thiết di dời đến nơi ở mới. Việc vận động người dân vô cùng khó khăn, với phương thức mưa dầm thấm lâu. Chỉ khi già làng chịu nghe, dân làng mới đồng thuận.

Đồng thời, chính quyền di dời các làng kiểu mẫu và một số hộ dân đến sống trước. Khi thấy cuộc sống an toàn, thuận thiện, người dân lần lượt kéo nhau đến sống cùng, tạo nên hiệu ứng dây chuyền. Cứ thế, những ngôi làng mới lập ra thay thế làng cũ. Hiểm họa từ thiên nhiên cũng giảm dần.

Hài lòng với cuộc sống mới

Thôn Pơr’ning ở xã Lăng là ngôi làng đầu tiên được tổ chức di dời ở huyện Tây Giang. Cụ Pơloong Hai nhớ lại, trước đây, làng ở xã Rư Gúh (huyện Hiên cũ). Mỗi mùa mưa, cả làng bị ngập. Sau đó, làng được chuyển về xã Lăng và lúc đầu có tên là thôn Arớh 1. Đến 2002, làng được đổi tên thành Pơr’ning. Ngày ấy, đường vào làng trắc trở, dân số đông đúc, tỉ lệ người nghèo được đánh giá cao nhất xã. Pơr’ning là nơi nương rẫy chênh vênh dốc núi, mỗi nhà lẻ loi một hốc núi. Nhà này ới, nhà bên kia nghe nhưng để đến được thì phải lội mấy dốc đèo.

Dân sinh - Nụ cười ở 115 ngôi làng Quảng Nam bình an trong bão lũ (Hình 3).
Đường vào thôn Pơr'ning

Tháng 4/2006, cụ Pơloong Hai cũng như bà con trong thôn bất ngờ khi được lãnh đạo xã, huyện đến trò chuyện và cho biết, Pơr’ning được chọn thử nghiệm thực hiện dự án quy hoạch giải phóng mặt bằng, đưa người dân ra khỏi khu vực tiềm ẩn nguy hiểm vì sạt lở núi.

“Vì là nơi đầu tiên thử nghiệm nên bà con hoang mang và phản ứng mạnh lắm. Ngày ấy, già làng Clâu Nâm là người có uy tín nhất làng, đã có nhiều cuộc trò chuyện với chính quyền địa phương rồi về họp dânthuyết phục rằng việc di dời làng là điều cần thiết và người dân có lợi, từ đó người dân nghe theo”, cụ Pơloong Hai nói.

Chính quyền cũng dựng các nhà tộc họ, nhà gươl (là loại nhà truyền thống của người Cơ Tu, gần giống nhà sàn nhưng được chạm khắc công phu hơn – PV). Ngày nhà gươl khánh thành, thôn Pơr’ning còn được công nhận danh hiệu nông thôn mới. Sau đó, người dân được định hướng trồng cao su, sâm ba kích, khôi phục các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát…

Pơr’ning thoát nghèo, trở thành làng văn hoá tiêu biểu của người Cơ Tu. Người dân Pơr’ning từ đó không còn cảnh ở quá xa nhau. Mọi người quây quần, sống cạnh, có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Con em trong làng được đến trường. Người đau ốm, không còn cảnh đồng bào thay nhau gánh gồng vượt nhiều con núi để đưa đến trạm y tế…

“Già làng Clâu Nâm là người có công rất lớn trong việc kết nối chính quyền và người dân trong việc dời làng. Năm 2008, cụ đã về với trời, để lại niềm tiếc thương cho người dân nơi đây”, cụ Pơloong Hai buồn bã nói.

Dân sinh - Nụ cười ở 115 ngôi làng Quảng Nam bình an trong bão lũ (Hình 4).
Những cụ già rất ấn tượng với việc dời làng và cảm thấy hài lòng cuộc sống mới. 

Ông Bhling Mia cho hay, tiếp nối Pơ'rning, 115 điểm dân cư dân với, 3.800 hộ dân, khoảng 19.000 người dân đã được di dời ra khỏi rừng và sườn núi để đến nơi an toàn. Trong đó, 98 điểm tái định cư ổn đỉnh và 17 điểm còn lại đang dần hoàn thiện. 

Trong mùa mưa lũ vừa qua, cây cầu võng nối 2 thôn A Banh 1, A Banh 2, xã A Xan bị cuốn đứt. Thế nhưng, người dân ở đây vẫn bình yên vô sự.

Ông A Mưr, Bí thư chi bộ thôn A Banh 1 chia sẻ: “Có lẽ, người dân ở đây sẽ gặp rất nhiều tai họa trong mùa mưa bão vừa qua nếu như còn ở chỗ cũ. Chúng tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống mới”.

Đề án thiết thực và hiệu quả

Ông Phan Việt Cường, Bí thư tỉnh Quảng Nam, đánh giá cao đề án di dời dân ra khỏi rừng và sườn núi về sống ở vùng được quy hoạch bảo đảm an toàn triển khai cách đây 14 năm của UBND huyện Tây Giang. Nhớ đề án này, trong mùa mưa lũ vừa qua, 115 ngôi làng với hơn 19.000 người dân huyện Tây Giang vẫn an toàn. Cách làm của địa phương này cần được áp dụng nhanh và mạnh hơn nữa. Đồng thời, đây là tấm gương cho các huyện khác trong địa bàn noi theo.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội