Thuốc REGN-COV2 dùng trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng - Ảnh chụp màn hình
"Loại thuốc này cũng giống như vắc xin thụ động. Sử dụng loại thuốc này vào giai đoạn đầu có thể giúp các bệnh nhân dễ bị tổn thương tránh được nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn", ông Spahn tỏ ra lạc quan.
Việc triển khai sẽ được bắt đầu vào tuần tới, trong đó bệnh viện các trường đại học nằm trong danh sách ưu tiên. Theo Bộ trưởng Spahn, Đức là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) sử dụng phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.
Ông Spahn không nêu tên nhà cung cấp nhưng cho biết loại thuốc mà Đức mua y hệt loại đã được sử dụng cho cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông mắc COVID-19. Ông Trump nhiễm bệnh hồi tháng 10 năm ngoái nhưng hồi phục nhanh chóng và không gặp biến chứng dù nằm trong nhóm dễ bị tổn thương.
"Thần dược" giúp ông Trump khỏe mạnh trở lại sau đó được tiết lộ là REGN-COV2, do Công ty Regeneron của Mỹ phát triển. Vào thời điểm ông Trump được cho sử dụng, chưa có cơ quan dược phẩm nào trên thế giới cấp phép cho sản phẩm này, kể cả Mỹ. Điều này làm dấy lên một số chỉ trích ông Trump lợi dụng chức danh tổng thống để trục lợi.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự hiệu quả của loại thuốc sử dụng kháng thể đơn dòng này. Ngoài Regeneron, một công ty khác của Mỹ có tên Eli Lilly cũng có sản phẩm tương tự.
Về bản chất, thuốc điều trị kháng thể đơn dòng hoạt động như một vắc xin thụ động. Khi tiêm loại thuốc này vào cơ thể, các kháng thể sẽ bám vào bề mặt virus và phá hủy các gai dùng để xâm nhập tế bào người. "Cách này cũng giống như bạn làm hư một chiếc chìa khóa khiến nó không cho vào ổ khóa được nữa", Hãng tin AFP ví von.
Cũng theo AFP, sở dĩ Đức chấp nhận mua thuốc điều trị với giá cao là do các hãng dược chậm trễ trong việc cung cấp vắc xin như đã nêu trong hợp đồng.
Ấn Độ mở rộng chương trình vắc xin
Chính phủ Ấn Độ ngày 24-1 thông báo kể từ tuần tới sẽ nhân rộng chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 lên 19 bang, tăng 7 bang so với hiện tại. Loại vắc xin được sử dụng là Covaxin do Ấn Độ tự lực sản xuất trong nước. Covishield của do Hãng dược AstraZeneca (Anh) và Viện Serum của Ấn Độ sản xuất cũng đã được cấp phép dùng khẩn cấp trong tháng này.
TTO - Regeneron cho biết có thể cung cấp đủ kháng thể cho 80.000 người đến cuối tháng 11 này, đủ cho 20.000 người đến đầu tháng 1-2021, và đủ cho 300.000 người đến cuối tháng 1-2021.