Vun đắp cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải là một trọng tâm trong nhiệm vụ của Nhà nước - Ảnh: Working Nation
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, kinh tế VN có thể hứng khởi trở lại vào năm 2021 với mức tăng trưởng hơn 6%.
Để đạt được mục tiêu đó, các chính sách và đường lối sau Đại hội Đảng XIII sắp tới cần phải tạo ra một xung lực mới cho lĩnh vực sôi động và đang ngày càng trở thành quan trọng nhất với nền kinh tế: thành phần doanh nghiệp tư nhân nội địa.
Về đường hướng, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII ghi nhận trong giai đoạn 2016 - 2019, kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong phát triển, nhất là du lịch, các khu đô thị, sản xuất ôtô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại hiện đại, giáo dục, đào tạo và dịch vụ y tế.
Đã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân và ứng dụng khoa học, công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đảng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng. Hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. "Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động [đầu năm 2019 là hơn 700.000 doanh nghiệp hoạt động]. Tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%, tỉ lệ nội địa hóa đạt mức 30%", dự thảo văn kiện Đảng có đoạn viết.
Khúc cua khó đoán
Nhưng vẫn còn đó những mảng xám chưa được nhắc tới. Đó có câu chuyện khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nội địa, nhất là khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khi đối mặt tương lai bấp bênh về thu nhập, chi phí nhân công, kho vận tăng mạnh, giá thuê mặt bằng liên tục lập đỉnh…
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 cả nước chứng kiến 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Con số này tăng đến 13,9% so với năm trước. Biến cố COVID-19 còn khiến các mục tiêu khác như có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào cuối 2020 hay khu vực tư nhân đóng góp 48% GDP không thể đạt được.
Một khảo sát gần đây của Tổ chức Investing in Women (do Chính phủ Úc tài trợ) cho thấy tác động tài chính và gián đoạn hoạt động kinh doanh do đại dịch COVID-19 gây ra cho các doanh nghiệp là nghiêm trọng.
Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là du lịch, bán lẻ, giáo dục, sản xuất, lưu trú và nhà hàng. Các ngành nghề chịu ảnh hưởng nhẹ hơn là ngân hàng tiện ích, sản xuất thực phẩm, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và thương mại.
Tại thời điểm khảo sát, có tới 60% các công ty khảo sát cho biết đang hoạt động với công suất bị cắt giảm. Đặc biệt, phần lớn các công ty này dự kiến sẽ mất từ 3-12 tháng để trở lại trạng thái hoạt động bình thường.
Thật đáng tiếc khi COVID-19 có thể khiến tiến trình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân chậm lại. Trước khi đại dịch xảy ra, hiệu quả hoạt động của khu vực tư có thể được chứng minh trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông qua các doanh nghiệp lớn.
Theo quỹ đầu tư Eastspring Investments, các doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 49% trong tổng số 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HOSE tính đến 2019.
Doanh thu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các công ty tư nhân nằm trong top 50 của HOSE đã tăng trưởng lần lượt 34% và 29% trong ba năm 2017-2019.
Các doanh nghiệp này tạo ra lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn so với các doanh nghiệp nhà nước (17,8% so với 17,2%) và có mức định giá hấp dẫn hơn (9x PER so với 13x).
Cũng đã có 12 doanh nghiệp tư nhân được định giá trên 1 tỉ USD, đồng thời là những doanh nghiệp dẫn dầu trong sân chơi thuộc lĩnh vực của họ.
Nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp tư nhân, năng suất lao động và hiệu quả vẫn là một rào cản lớn.
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, lực lượng lao động đang giảm dần khi VN đã vượt qua đỉnh dân số vàng trong giai đoạn 2012-2014. Dân số già đi sẽ khiến tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động giảm xuống.
Nếu năng suất lao động không tăng thêm để bù đắp, VN khó lòng đạt tăng trưởng kinh tế mục tiêu để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045: khoảng 7%/năm.
"Khu vực doanh nghiệp tư nhân rất nhiều về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Nếu không cải thiện, triển vọng của kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới không thể sáng sủa", ông Tự Anh nhận định.
Theo các nhà phân tích, các yếu tố cản trở khu vực tư nhân chủ yếu gồm năng suất thấp và chi phí lao động tăng. Điển hình như tốc độ tăng năng suất lao động chỉ 2,2% nhưng tốc độ tăng lương tối thiểu là 10,2%.
Theo đà này thì chỉ cần 10 năm nữa, chi phí lao động ở VN sẽ giống như Trung Quốc hiện nay, tức lúc đó VN không còn lợi thế về chi phí lao động giá rẻ nữa.
"Để đạt được tăng trưởng 7% phải có sự thay đổi về thể chế, định hướng thị trường, ưu tiên phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân", ông Tự Anh nhận định.
Kỳ vọng làn gió mới
Có thể thấy trong bức tranh nhiều gam màu tối năm 2020, khu vực tư nhân vẫn là khu vực đi đầu vượt khó với tinh thần sáng tạo.
Đó là những câu chuyện rất điển hình của những doanh nghiệp đã lăn lộn thị trường hàng mấy chục năm trời, là "bánh mì thanh long" của hệ thống cửa hàng bánh kẹo ABC giúp giải cứu hàng chục tấn thanh long tồn đọng của người dân, là những máy ATM gạo của ông chủ khóa thông minh PHGLock, hay chuyện Công ty may mặc Dony nhanh chóng chuyển từ quần áo sang xuất khẩu để xuất khẩu hàng triệu chiếc khẩu trang sang châu Âu và Trung Đông…
Những câu chuyện đó đều cho thấy rõ sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân tạo ra hiệu ứng sóng lan tích cực rộng lớn ra sao, điều càng thêm quý giá trong những ngày gian khó vì dịch bệnh.
Thị trường hàng không cũng là câu chuyện hay. Để hạn chế bớt tổn thất khi đường bay quốc tế đóng cửa, Vietjet Air đã mạnh dạn triển khai các mảng kinh doanh mới như bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài để tiết giảm chi phí, bắt tay cùng Tập đoàn UPS tham gia mảng vận chuyển hàng hóa giữa thị trường Mỹ và khu vực châu Á (nhất là đến Việt Nam và Thái Lan)…
Hay như trên thị trường năng lượng, Tập đoàn Trung Nam Group đã trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng qua dự án đường dây 220/500kV từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, dài khoảng 17km.
Mặc dù đây chỉ là dự án thí điểm, nhưng thành công của Trung Nam Group cho thấy phần nào năng lực thực sự của khối tư nhân, đồng thời phù hợp với lộ trình dần tự do hóa ngành năng lượng của VN, giảm bớt vị thế độc quyền của EVN.
Có thể thấy VN không nằm ngoài quỹ đạo mà rất nhiều quốc gia hướng đến tăng trưởng và thịnh vượng khác đã đi qua, trong đó năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân cuối cùng và trên hết sẽ quyết định thành bại của quốc gia.
Theo Hãng tư vấn McKinsey, ngoài sản xuất và du lịch, trong thời gian tới VN nên tập trung vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực chiến lược khác trong nước - bao gồm doanh nghiệp nhà nước (SOE), doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các công ty khởi nghiệp - để tăng khả năng phục hồi quốc gia.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực phi chính thức nhìn chung tạo thành động cơ cầu nội địa quan trọng và sẽ tiếp tục cần được hỗ trợ, đặc biệt là trong ngắn hạn trong khi tốc độ tăng trưởng và thu nhập vẫn giảm", McKinsey nhận định.
Hơn thế nữa, VN có thể khai thác tiềm năng đáng kể chưa được hiện thực hóa của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Năm 2019, 741 triệu USD đã được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của VN. Để so sánh, con số đó ở Indonesia là 2,38 tỉ USD. Có chút bất ngờ và thất vọng khi cả hệ sinh thái VN chỉ tạo ra được hai công ty kỳ lân (doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD) là VNG và VNPay, so với 6 ở Indonesia.
VN rõ ràng cần tiến hành một nỗ lực cải cách toàn diện hơn trong hệ sinh thái khởi nghiệp để xóa bỏ các giới hạn về tinh thần kinh doanh, cung cấp tài chính cho những dự án có tiềm năng cao và gầy dựng mảnh đất màu mỡ hơn cho các doanh nghiệp tăng trưởng cao.
Đường hướng này đã được nêu rõ trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, và cũng đã được nhắc lại nhiều lần trong các tài liệu định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước về chính sách kinh tế.
Tuy nhiên, biến được quyết tâm chính trị thành hành động thực tiễn hiệu quả vẫn là một chặng đường còn rất nhiều thách thức.
Bắt đầu từ đầu năm nay, Luật doanh nghiệp 2020 và Luật đầu tư 2020 có hiệu lực được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong số đó là thủ tục hành chính tiếp tục được cắt giảm, đơn cử như doanh nghiệp được quyết định loại dấu, quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp, bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng…
McKinsey cho rằng tiến trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn phải tiếp tục một cách quyết liệt.
Mặc dù VN đã giảm hơn 90% số doanh nghiệp nhà nước kể từ năm 2001, chặng đường vẫn chưa hoàn thành vì những nỗ lực này chưa làm cho khu vực này trở nên gọn gàng hơn.
Việc cổ phần hóa có mục tiêu, thoái vốn bền vững và các chương trình chuyển đổi có thể giúp các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh trong nước và thậm chí cả trên thị trường toàn cầu.
TTO - Trong những buổi "trà dư tửu hậu" vào các dịp cuối tuần với một vài người bạn cũ đã về hưu, không ít lần tôi được nghe những câu cảm thán: "Riết rồi cái gì cũng vào tay tư nhân hết trơn...".