Kienlongbank sẽ họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 28/1 tới đây.Và như thường lệ, các kì đại hội cổ đông của ngân hàng sẽ được diễn ra tại TP Rạch Giá – Kiên Giang, cái “gốc” của ngân hàng thuở khởi sinh mà theo chính Kienlongbank, nơi còn rất nhiều cổ đông lớn tuổi, lâu năm đã góp vốn từ những ngày đầu, sinh sống ở đó. Do đó, tổ chức ở đây sẽ là sự thuận tiện lớn cho các cổ đông.
Đại hội cổ đông bất thường của Kienlongbank mở màn sớm cho kì đại hội cổ đông của các nhà băng năm nay (ảnh: Giao dịch tại KLB)
Song ở kỳ đại hội cổ đông bất thường năm nay, có lẽ Kienlongbank sẽ có những “yếu nhân” mới – những nhân sự đến từ đợt thay máu thông qua loạt giao dịch chuyển nhượng vốn cổ phần KLB của các cổ đông trên sàn chứng khoán. Ước tính giá trị chuyển nhượng qua thỏa thuận lên tới trên 60% số lượng cổ phần/ vốn điều lệ từ khoảng tháng 11/2020 cho đến gần đây. Và những ai đã chi nghìn tỷ để mua cổ phần Kienlongbank trong các đợt giao dịch này đã, đang là ẩn số.
Trong tài liệu họp đại hội cổ đông bất thường đầu 2021, Kienlongbank có tờ trình về bầu bổ sung Thành viên HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022. Theo tờ trình, Kienlongbank báo cáo cổ đông về việc ngày 10/11/2020, 01 (một) thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT để tập trung công tác điều hành với chức danh Phó Tổng Giám đốc. Theo đó, nếu Đại hội đồng cổ đông chấp thuận miễn nhiệm ông Lê Trung Việt thì số lượng thành viên HĐQT còn lại là 06 (sáu) thành viên. “Nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng theo định hướng phát triển kinh doanh trong thời gian sắp tới, Kienlongbank dự kiến sẽ bầu bổ sung 02 (hai) thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022, số lượng thành viên HĐQT sau khi bầu bổ sung là 08 (tám) thành viên. Cơ cấu thành viên HĐQT sau khi bầu bổ sung thành viên HĐQT: Gồm 8 thành viên, trong đó 1/8 thành viên độc lập, 7/8 thành viên không phải là người điều hành của Kienlongbank và 1/8 thành viên là người điều hành của Kienlongbank”, tờ trình nêu.
2 nhân sự giới thiệu cho Đại hội đồng cổ đông bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022, gồm không phải người điều hành của Kienlongbank là bà Trần Thị Thu Hằng, sinh năm 1985 và ông Lê Hồng Phương, sinh năm 1976.
Bà Trần Thị Thu Hằng được biết trên thị trường ở cương vị Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn bất động sản Sunshine Group, đơn vị đang có nhiều dự án đình đám tại TP HCM. Còn ông Lê Hồng Phương, gần nhất trước khi chuyển qua vị trí Tổng Giám đốc kiêm TV HĐQT BB Group (một tập đoàn chuyên về năng lượng và cả bất động sản được góp vốn bởi ông Vũ Quang Bảo – em trai ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Group), trong lĩnh vực tài chính có 2 năm từ Quyền đến đảm nhiệm Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).
Khá đặc biệt, bà Hằng và ông Phương đều có điểm chung từng trải qua một thời gian công tác tại Ngân hàng TMCP LienVietPost Bank.
Cổ phiếu Kienlongbank đã leo dốc ngoạn mục trong thời kỳ các sang nhượng thỏa thuận khối lượng khủng diễn ra (data: BSC)
Cũng theo tài liệu của Kienlongbank, việc chốt danh số cổ đông Nhà nước, cổ đông lớn của Ngân hàng tại 31/12/2020 (được ký văn bản ngày 19/1/2021) bởi bà Trần Tú Anh – TGĐ), số lượng cổ đông lớn của ngân hàng khá ngạc nhiên dường như lại không có gì thay đổi so với danh sách tại kỳ báo cáo tại 30/7/2020 trước đó. Có vẻ như những biến động rất cụ thể xoay quanh các đợt sang nhượng cổ phiếu KLB theo giao dịch thỏa thuận trên thị trường, chưa thay đổi trong danh sách chốt này. Do đó, kỳ đại hội bất thường của Kienlongbank được dự báo sẽ là tâm điểm nóng và giải mã rõ ràng hơn “game” thâu tóm hoặc ai sẽ là chủ nhân thay máu Kienlongbank thực sự.
Một động thái đáng chú ý cũng liên quan đến nhân sự tại Kienlongbank trước đó, là ngân hàng này đã cùng lúc bổ nhiệm 3 Phó Tổng Giám đốc. Trong đó có một tân Phó Tổng Giám đốc là ông Võ Quốc Lợi, con trai của ông Võ Quốc Thắng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kienlongbank. Ông Lợi tốt nghiệp trường Đại học Nam California (University of Southern California) tại Mỹ ngành Tài chính Ngân hàng và có thời gian ngắn đi làm tại Quỹ đầu tư Russell Investment Index. Ông hiện nắm 15,1 triệu cổ phiếu Kienlongbank tương đương 4,69%. Đây cũng là gương mặt được thị trường đồn đoán sẽ là nhân tố đóng vai trò quan trọng tại ban điều hành của Kienlongbank trong nay mai, cho dù ngân hàng có sự “thay máu” và chuyển tỷ lệ kiểm soát lợi ích kinh tế lớn vào tay ai.
Kienlongbank, trong tâm điểm nóng của các vòng xoáy nhân sự bí ẩn vào HĐQT dần giãn rộng, đã vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020. Theo BCTC, mặc dù ngân hàng lỗ thuần 72 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh song nhờ có chi phí dự phòng được hoàn nhập lớn, nên thoát lỗ và ghi lãi trước thuế 13,6 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 158 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2019 nhưng chỉ đạt tương 21% kế hoạch năm (kế hoạch đặt ra là 750 tỷ đồng). Kienlongbank tại cuối năm 2020 có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt với tổng nợ xấu là 1.883 tỷ đồng, cao gấp 5,5 lần so với đầu năm 2020. Nợ có khả năng mất vốn là 1.782 tỷ đồng.
Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.