Sáng 22/1, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu giữa Nhà đầu tư - Nhà nước - Nhà trường năm 2021.
Nhiều tiềm năng về đầu tư và thị trường lao động
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trên thế giới bởi sự an toàn, tin cậy và có nhiều tiềm năng phát triển.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An đã có 128 doanh nghiệp đi vào hoạt động với tổng doanh thu là hơn 35.000 tỷ đồng. Năm 2020, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều giảm so với năm 2019. Tuy vậy, số lao động làm ở các khu công nghiệp vẫn tăng hơn 4.000 lao động.
Nhằm kết nối cung cầu lao động giữa nhà đầu tư - nhà nước - nhà trường, tại hội thảo lần này, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã giới thiệu về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các dự án trong Khu kinh tế Đông Nam và Khu công nghiệp Nghệ An năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, trong năm tới, Nghệ An dự kiến thu hút được khoảng 20 - 25 dự án với tổng vốn đăng ký dự kiến đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư FDI khoảng 600 - 700 triệu USD và nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp dự tính cũng sẽ tăng cao đột biến cả về lao động chất lượng cao và lao động phổ thông.
Để đón đầu cơ hội này, vấn đề đặt ra hiện nay với Nghệ An đó là phải có nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tại hội thảo, đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường đại học, cao đẳng và một số nhà đầu tư cũng có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, thị trường lao động và chất lượng nguồn lao động.
Tín hiệu tích cực hiện nay đó là việc phân luồng, hướng nghiệp Nghệ An trong những năm qua có sự thay đổi, từ năm 2016 đến nay tỷ lệ học sinh vào các trường nghề tăng từ 8,% - 18%... Đặc biệt học sinh tốt nghiệp THPT không đăng ký vào các trường đại học tăng cao từ 37,2% lên đến hơn 42%. Vấn đề đặt ra hiện nay là định hướng việc học trường nghề để có kế hoạch, phân luồng đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức hội thảo và điều đó sẽ góp phần truyền lửa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các nhà trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa giới thiệu khái quát về tiềm năng của Nghệ An trong giai đoạn tới, đặc biệt khi hiện nay Nghệ An đang có ba nhà đầu tư tiềm năng với giá trị hơn 100 triệu đô la, thu hút hàng chục nghìn lao động.
Nghệ An cũng đang thực hiện đúng chiến lược đầu tư với một mục tiêu đưa nền kinh tế Nghệ An cùng phát triển. Hiện Nghệ An có hơn 1,9 triệu lao động (nguồn lao động dư), tỉnh khẳng định sẽ cung cấp đủ lao động theo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.
Tỉnh đang hướng tới một công xưởng khổng lồ sản xuất tất cả các loại hàng hóa. Do đó, mong muốn có sự định hướng quyết liệt về công tác đào tạo nghề với việc xây dựng quy hoạch cụ thể theo đúng nhu cầu của thị trường lao động đang cần để cung ứng đủ.
Để làm được điều đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội phải làm việc với các trường nghề để có một kế hoạch đầy đủ, bám sát với yêu cầu của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Điều này sẽ giúp cho công tác thu hút đầu tư, hệ sinh thái đầu tư và hệ sinh thái việc làm của tỉnh sẽ được ổn định và lâu dài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương cần lắng nghe các nhà đầu tư, các trung tâm đào tạo nghề…để có định hướng chính xác cho người lao động trên địa bàn tỉnh.