Vài chục năm trước, quần áo là thứ gì đó xa xỉ, vì nguyên liệu đắt và thời gian sản xuất cũng lâu. Tuy nhiên từ những năm 1990, các thương hiệu như H&M hoặc Zara ra đời với những sản phẩm sành điệu, giá cả dễ chịu khi sử dụng các chất liệu không quá xịn như polyester và có chuỗi cung ứng toàn cầu dựa vào nhân công giá rẻ tại các nước đang phát triển. Theo thống kê, trung bình khách hàng chỉ sử dụng một món đồ 7 lần trước khi xếp xó.
Trưởng bộ phận marketing của Aday, Brenna Davis, cho biết việc khởi động các thử thách mặc lại trang phục giúp khách hàng nhìn nhận lại quan hệ giữa họ và trang phục, sau nhiều năm quen thuộc với suy nghĩ “càng nhiều đồ mới càng tốt”. Tuy nhiên quan trọng hơn là giúp khách hàng nhận ra rằng có ít đồ thì cũng không vấn đề gì cả, vẫn vui vẻ và vẫn mặc đẹp.
Vào tháng 10, Aday đã thực hiện một sự kiện thử nghiệm với 100 người. Họ tiến hành khảo sát ý kiến người dùng trước và sau, và nhận ra rằng nhiều người cực thích khi không phải mất quá nhiều thời gian để phối đồ trước khi ra ngoài vào buổi sáng, vì tất cả đã được phối cẩn thận ít nhất một lần trước đó! Nhiều người khác lại cho rằng đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Thương hiệu Wool&Prince cho biết một cách khác để thay đổi thói quen người dùng chính là thiết kế những mẫu trang phục có thể mặc đi mặc lại mà không sợ lỗi thời. Chính vì vậy thương hiệu này thường chọn các màu sắc trung tính và những kiểu dáng đơn giản, cổ điển nhất.
Trong thử thách 100 ngày mặc cùng mẫu trang phục của Wool&Prince, các khách hàng nữ đã rất thành công với sản phẩm Swing Dress, một chiếc đầm dáng chữ A chạm gối, dài tay, với các màu sắc cơ bản như đen, xanh navy, đỏ, xám. Với bộ trang phục này, khách hàng có thể phối nhiều loại phụ kiện và mặc trong những điều kiện thời tiết khác nhau.
Không chỉ vậy, thương hiệu này còn sử dụng các chất liệu tốt. Wool&Prince tập trung vào len vì chất liệu này có khả năng kháng khuẩn, chống ố tự nhiên và không cần giặt thường xuyên. Các nhà thiết kế còn kết hợp nylon để giảm khả năng đồ bị mục và biến chất.
Nhưng, với nhiều hãng thời trang, bán ít đi vẫn thu được lợi nhuận tương đương
Với rất nhiều công ty thời trang, bán đồ bền hơn tương đương với doanh số thấp hơn, như vậy không tốt cho kinh doanh.
Tuy nhiên người đứng đầu của Aday, Nina Faulhaber, lại tin rằng ngay cả khi bán đồ giới hạn số lượng, thương hiệu của cô vẫn có thể có lợi nhuận.
Cả đồ của Aday và Wool&Prince có giá trung bình dưới tầm 150 USD, đắt hơn nhiều so với các món đồ sản xuất hàng loạt, nhưng dĩ nhiên cũng chẳng là gì so với các thương hiệu thời trang cao cấp.
Faulhaber cho biết: “Mức giá này phù hợp với chi phí nhân công và nguyên liệu. Tuy nhiên quan trọng hơn, chúng tôi còn muốn cho khách hàng hiểu được họ có thể nhận về nhiều giá trị từ sản phẩm của chúng tôi hơn là các loại thời trang ăn liền khác.”
Các thử thách lặp lại trang phục còn giúp khách hàng có những suy nghĩ khác về tài chính. Các thương hiệu thời trang ăn liền thường thu hút người dùng vì giá cả rẻ. Tuy nhiên nếu chỉ mặc một vài lần, giá rẻ này cũng không thực sự rẻ lắm. Chẳng hạn một chiếc đầm polyester giá 28 USD nghe có vẻ rẻ, thế nhưng nếu chỉ mặc 7 lần, thì giá mỗi lần mặc là 7 USD.
Trong khi đó, nếu mua một sản phẩm Aday với giá 145 USD, mặc 1 lần/tuần, và các sản phẩm này được thiết kế có thể sử dụng trong ít nhất 5 năm, thì giá mỗi lần mặc chỉ là 0.52 USD.
Theo Faulhaber, đây chính là điểm khác biệt, là mối quan hệ win-win (2 bên cùng có lợi) mà Aday muốn thể hiện thông qua các thử thách. Tức là người dùng nhận về sản phẩm có giá trị, đồng thời thương hiệu vẫn kiếm được lợi nhuận.
Giờ đây, danh sách tham gia thử thách của Aday đã lên đến 4000 người, và thương hiệu này vẫn hy vọng sẽ đem đến thêm nhiều chương trình khác.
Liệu những nỗ lực của Aday hay Wool&Prince có thể thay đổi ngành thời trang? Câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ, tuy nhiên ít nhất vẫn có những dấu hiệu khả quan. Chẳng hạn, H&M đã đầu tư 2 triệu USD vào Aday, hoặc CEO của H&M đã tham quan trụ sở Aday và học hỏi mô hình kinh doanh.
Cuối cùng, ẩn sau tất cả những thử thách “mặc lại đồ cũ” này thực chất là một chiến lược các nhãn cao cấp tấn công mảng thời trang nhanh, “thời trang mì ăn liền”, khi họ muốn thay đổi nhận thức của khách hàng, tìm cách kéo khách hàng mua đồ “ăn chắc mặc bền”, bỏ qua thời trang nhanh để “bảo vệ môi trường”.
Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.