Những ngày này, người trồng hoa ở phường Hòa Cường Nam, Bắc, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đang tất bật chăm sóc hoa chuẩn bị cho vụ Tết; chủ yếu là các loại hoa ngắn ngày như: Cúc thường, cúc pha lê, vạn thọ… và các loại hoa treo trang trí. Do các đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 10 - 11/2020, đã làm giống hoa bị hư hại, thối gốc nghiêm trọng, nhiều chủ vườn vừa phải xuống giống lần 2, lần 3 và bón giục thêm nhiều phân và thuốc mới hy vọng hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.
Ông Trần Văn Ba (phường Hòa Cường Bắc) cho biết, những hộ nông dân ở đây tận dụng các khu đất còn bỏ trống để thuê trồng hoa cúc, nhưng không dám đầu tư mạnh vào hoa Tết do năm nay có quá nhiều biến động. Dịch bệnh Covid kéo dài cả 7 - 8 tháng rồi thiên tai ập đến, người chơi hoa rất khó khăn về thu nhập, nên không biết nhu cầu mua để chơi Tết có sáng sủa như những Tết trước không?
“Gia đình tôi trồng hơn 1.500 chậu hoa các loại, mọi năm thu nhập kiếm được 4 - 5 chục triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Quảng Trị, Quảng Bình, nhưng năm nay ngoài kia bị lũ lụt, sạt lở liên tục; không biết có còn ai nghĩ đến việc chơi hoa Tết nữa không? Rồi nếu dịch bệnh phát sinh phải cách ly xã hội thì hoa làm chi cho hết?” - chị Nguyễn Thu Hà, một chủ vườn hoa lo lắng.
Theo những người trồng hoa cúc ở quận Hải Châu, quận Thanh Khê, quận Cẩm Lệ và huyện Hoà Vang (Đà Nẵng), sau bão lũ là trời liên tục rét lạnh cây hoa úa tàn trút lá, gốc hư hỏng nặng; nên phải thường xuyên tưới nước vào sáng sớm, ban đêm bật điện chong đèn để tạo nhiệt độ xung quanh nóng hơn; giúp cho hoa phát triển. Vậy mà, chiều cao của hoa cúc hiện nay chỉ đạt khoảng 40cm; so với năm trước thấp hơn 10 - 20cm.
Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) Lý Phước Dạng cho biết, lượng hoa cúc chậu tại vùng bị giảm so với mọi năm. Hiện, toàn vùng có khoảng 15 ngàn chậu hoa cúc; chủ lực là cúc đại đóa, cúc pha lê, hoa treo, hoa lan mokara…
“Dựa vào thế mạnh và kinh nghiệm của mình, bà con trong vùng chủ yếu tập trung trồng các loại hoa truyền thống, thị trường ưa chuộng vào dịp Tết để việc tiêu thụ được dễ dàng hơn. Hiện, bà con toàn vùng đang bước vào giai đoạn quan trọng là phải tích cực chăm sóc hoa; nên chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người theo dõi diễn biến của thời tiết để có cách xử lý kịp thời, bảo đảm hoa nở đúng vào dịp Tết” - ông Lý Phước Dạng thông tin.
Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho hay, do các đợt bão, mưa lớn xuất hiện liên tục trong tháng 10 - 11 đã gây ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó, phần lớn diện tích trồng hoa phục vụ Tết bị hư hỏng, thối gốc… ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Để kịp thời giúp người dân khôi phục sản xuất, Phòng đã tham mưu UBND huyện trình TP hỗ trợ thiệt hại do bão, lũ; hỗ trợ hạt giống rau, hoa, phân hữu cơ vi sinh, vôi…
Còn những chủ vườn mai ở phường Hoà An, Hoà Phát (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cũng đầy lo âu vì theo dự đoán năm nay mai nở không rộ vào dịp áp Tết và dự báo từ nay đến Tết Tân Sửu còn 3 - 4 đợt rét lạnh kéo về. Lý do là nếu tút lá đúng kỳ như mọi năm, trong khi năm nay trời rét kéo dài nên mai không nở kịp Tết. Theo đó, người chơi mai sẽ vơi đi và nguồn thu nhập của các chủ vườn sẽ giảm đi nhiều.
Xã Cẩm Hà, phường An Hà (TP Hội An, Quảng Nam) có hơn 700 hộ chuyên trồng quất phục vụ Tết với số lượng khoảng 80 ngàn chậu; thu nhập mang lại vài chục tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nhìn các vườn quất năm nay không xum xê cành lá, trái vàng rực như các năm trước.
Anh Trần Tân (Cẩm Hà) là người có hơn 10 năm trồng quất, chưa năm nào buồn như năm nay. Anh đầu tư trồng hơn 550 chậu quất nhưng thời tiết khá khắc nghiệt, dịch bệnh phát sinh nên quất ít quả lại không chín đều, giá bán sẽ thấp hơn mọi năm.
“Trước đây, chừng tháng 7 - 8, đã có thương lái đến vườn đặt mua trọn gói cả vườn, còn năm nay vắng lặng hơn nhiều…” - anh Tân tâm sự.
Tại thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) được ví là “thủ phủ” nghề trồng mai Tết, có đến 5 làng trồng mai, tập trung tại xã Nhơn An như: Háo Đức, Thanh Liêm, Trung Định, Thuận Thái, Tân Dương; với khoảng 1.200 hộ trồng mai.
Dự kiến mỗi vụ mai Tết, các hộ trồng mai trên địa bàn sẽ xuất bán ra thị trường cả triệu chậu mai, doanh thu đạt khoảng 30 tỷ đồng. Song, cám cảnh nhất là hiện nay cây mai mới chỉ mớm nụ rất ít và sẽ không nở đều hoa như các năm trước do trời lạnh và báo động trời còn lạnh thêm.
Cũng tại An Nhơn, năm nay, người trồng cúc Tết không dám trồng số lượng nhiều như trước đây, bởi lo ngại sức tiêu thụ hoa thấp…
Chị Nguyễn Thu Thanh (ở khối Vĩnh Liêm, phường Bình Định, An Nhơn) cho biết, gia đình chỉ trồng 200 chậu cúc, giảm 50% so năm ngoái.
“Năm ngoái không có dịch dã, dân tình làm ăn suôn sẻ mà cúc cũng bị ế thiêu, còn năm nay khó khăn chồng chất không biết thương lái có còn đến đặt mua cúc nữa không” - chị Thanh lo lắng.
Tương tự, tại huyện Tuy Phước (Bình Định) tại các làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa), Tú Thủy (xã Phước Hiệp), An Cửu, Biểu Chánh (xã Phước Hưng) cũng trồng cúc số lượng ít hẳn đi.
Toàn Tuy Phước hiện có 379 hộ chuyên trồng hoa cúc bán Tết, lượng hoa cúc trồng cho vụ hoa Tết Nguyên đán sắp tới ước chừng 113 ngàn chậu, giảm 30 ngàn chậu so vụ Tết năm ngoái. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thời tiết đã làm hàng ngàn chậu cúc bị chết đứng.
Người trồng cúc năm nay ở Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng không chỉ lo ngại về thị trường tiêu thụ giảm, mà còn lo cây cúc ra hoa không đúng dịp Tết do bệnh phát sinh và thời tiết bất thường.
Hiện tại, nhiều vườn hoa Tết ở khu vực các tỉnh miền Trung ít thương lái ghé thăm và đặt mua. Do vậy, nhiều chủ vườn xác định nếu không bán sỉ được hoa Tết cho thương lái thì phải thuê địa điểm và thuê xe vận chuyển đi bán lẻ, nhằm vớt vác lại nguồn vốn đã bỏ ra.
Ngọc Phó