Theo Reuters, đây là một trong những quyết định chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden trước khi hiệp ước kiểm soát vũ khí hết hạn vào đầu tháng Hai.
Hiệp ước START mới - giới hạn Mỹ và Nga mỗi bên cắt giảm còn 1.550 đầu đạn hạt nhân - hết hiệu lực vào ngày 5.2 sau khi các cuộc đàm phán gia hạn bị đình trệ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên: “Mỹ có ý định gia hạn Hiệp ước START mới thêm 5 năm. Sự gia hạn này càng có ý nghĩa hơn khi mối quan hệ với Nga đang là đối thủ như hiện tại”.
Ngày 20.1, Điện Kremlin cho biết, Nga vẫn cam kết gia hạn hiệp ước với Mỹ và sẽ hoan nghênh những nỗ lực mà chính quyền ông Biden đã hứa để đạt được thỏa thuận.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Nga và Tổng thống Putin ủng hộ việc duy trì thỏa thuận này. Nếu các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi thể hiện ý chí chính trị để duy trì hiệp ước này bằng cách gia hạn nó, thì chúng tôi rất hoan nghênh”.
Ngoài việc hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược được triển khai ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, New START cũng giới hạn tên lửa và máy bay ném bom trên đất liền và tàu ngầm.
Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc nói rằng, Mỹ “an toàn hơn nhiều” khi hiệp ước còn nguyên vẹn và được gia hạn.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Cũng giống như khi chúng tôi can dự với Nga theo những cách thúc đẩy lợi ích của Mỹ, chúng tôi sẽ luôn nhìn rõ những thách thức mà Nga đặt ra và cam kết bảo vệ đất nước trước những hành động của họ”.
Các chuyên gia chính sách cho hay, việc hiệp ước mất hiệu lực sẽ chấm dứt mọi hạn chế đối với việc triển khai đầu đạn hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga, và như vậy có khả năng thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Trước đó, một nguồn tin quen thuộc nói với Reuters rằng, các nhà lập pháp Mỹ đã được thông báo về quyết định của Tổng thống Biden đối với hiệp ước START mới này.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã không thành công khi cố gắng mở rộng New START để bao gồm Trung Quốc - nước có chương trình hạt nhân đang phát triển nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với Nga và Mỹ.