Cháy cơ sở sản xuất vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới


Một vụ cháy lớn đã thiêu rụi một tòa nhà ở trung tâm sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, miền tây Ấn Độ ngày 21.1.

Hãng AFP đưa tin, ngày 21.1, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại Viện Huyết thanh ở thành phố Pune, tiểu bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ.

''Năm người đã chết'' - Thị trưởng thành phố Pune, Murlidhar Mohol, tiết lộ với các phóng viên báo chí sau vụ hỏa hoạn.

Khói cuồn cuộn bốc lên từ hiện trường vụ cháy tại Viện Huyết thanh Ấn Độ. Ảnh: AFP
Khói cuồn cuộn bốc lên từ hiện trường vụ cháy tại Viện Huyết thanh Ấn Độ. Ảnh: AFP

Các nhân viên cứu hộ đã phát hiện ra 5 thi thể tại tòa nhà đang được xây dựng sau khi đám cháy được kiểm soát. Tuy nhiên, đại diện cơ sở này khẳng định việc sản xuất vaccine COVID-19 không bị ảnh hưởng.

"Chúng tôi vô cùng đau buồn và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các thành viên gia đình của những người bị nạn" - Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ, chia sẻ trên Twitter.

Lực lượng cứu hỏa trong nỗ lực kiểm soát đám cháy. Ảnh: AFP
Lực lượng cứu hỏa trong nỗ lực kiểm soát đám cháy. Ảnh: AFP

Viện Huyết thanh Ấn Độ đang sản xuất hàng triệu liều vaccine COVID-19 Covishield do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển.

Trong tháng 1, các cơ quan quản lý Ấn Độ đã phê duyệt hai loại Vaccine: Covishield đang được Viện Huyết thanh sản xuất và Covaxin do công ty địa phương Bharat Biotech sản xuất.

Ấn Độ đã khởi động một chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới vào ngày 16.1, với mục tiêu tới tháng 7 sẽ tiêm chủng xong cho 300 triệu người bằng cả hai loại Covishield và Covaxin.

Nhiều quốc gia khác đang dựa vào Viện Huyết thanh Ấn Độ để cung cấp vaccine COVID-19 cho họ.

Ấn Độ đã xuất khẩu lô vaccine COVID-19 đầu tiên vào ngày 20.1 sang Bhutan và Maldives, tiếp theo là 2 triệu liều sang Bangladesh và 1 triệu liều sang Nepal.

Nước này cũng có kế hoạch cung cấp 20 triệu liều vaccine cho các nước láng giềng Nam Á, Mỹ Latinh, Châu Phi và Trung Á.

Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới tính theo số lượng, cũng có kế hoạch cung cấp 200 triệu liều vaccine cho chương trình COVAX, một nỗ lực do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ để thu mua và phân phối các vaccine COVID-19 cho các nước nghèo.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội