Thay gối cao su cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa bị rơi thế nào?


Sau khi một gối cao su dầm cầu cạn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên bất ngờ bị rơi khỏi đá kê gối, Ban Quản lý đường sắt sắt đô thị (MAUR) đã yêu cầu nhà thầu thay gối cao su mới tại vị trí xảy ra sự cố.

Chiều 21/1, tại phân đoạn cầu cạn VD14 tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, một số công nhân đã sử dụng xe cẩu đăc chủng để tiến hành thu hồi các tấm thép lót tạm trên trụ sau khi gối cao su bất ngờ bị rơi khỏi đá kê gối vào cuối tháng 10/2020.

Việc rơi gối cao su đã làm hư hỏng thanh ray đỡ bên dưới và gây hư hỏng, nứt vỡ bê tông đệm ray tại vị trí VD14 và khiến cả đoạn dầm đã thi công hoàn thiện vào năm 2016 có nguy cơ bị uốn xoắn do phân bố lực không đồng đều.

Thay gối cao su cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa bị rơi thế nào? - Ảnh 1.

Sự cố rơi gối cao su làm bê tông đệm ray bị nứt vỡ

Để tránh nguy cơ bản đáy, thành dầm chữ U bị nứt ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của công trình, nhà thầu đã dùng các tấm thép hình vuông có hình dạng tương tự gối cao su nhưng mỏng hơn để đặt vào vị trí của gối.

Một kỹ sư của nhà thầu Cienco 6 cho biết gối cao su mới thay thế đã được nhập về Việt Nam và đã được kiểm tra về chất lượng, an toàn. Dự kiến việc lắp đặt gối mới sẽ thực hiện trong 1-2 ngày tới.

Trước đó vào trưa ngày 30/10, qua công tác kiểm tra hiện trường, MAUR phát hiện 1 gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định và rơi khỏi đá kê gối.

Theo ông Bùi Xuân Cường – Trưởng ban MAUR, ngay sau khi phát hiện sự việc, MAUR, Liên danh Tư vấn chung NJPT, Tổng thầu EPC (Liên danh Sumitomo-Cienco 6) và công ty Hitachi lập tức phối hợp kiểm tra hiện trường, đồng thời hỗ trợ các bên có liên quan tìm các giải pháp khắc phục.

Đến sáng 31/10, tổng thầu EPC đã xử lý xong sự cố, đặt tạm gối thay thế nhằm đảm bảo ổn định cho dầm cầu cạn của tuyến metro này.

Thay gối cao su cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa bị rơi thế nào? - Ảnh 2.

Hai dầm cầu cạn vênh nhau 8,5 cm sau khi gối cao su bị rơi khỏi đá kê gối

Ông Bùi Xuân Cường cho biết sự việc xảy ra trong phạm vi công trình đang thi công, chưa được bàn giao cho chủ đầu tư nên với vai trò Tổng thầu EPC, Liên danh Sumitomo-Cienco 6 hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với chất lượng công trình cũng như thực hiện các biện pháp kiểm tra, khắc phục, sửa chữa.

MAUR đã yêu cầu các nhà thầu, đơn vị liên quan rà soát toàn bộ thủ tục kiểm tra, lựa chọn nhà cung cấp, hồ sơ thí nghiệm đầu vào, tần suất thí nghiệm đối với vật liệu gối cao su Mageba nhằm xác định có đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng.

Ngoài ra, toàn bộ các gối cao su thuộc gói thầu sẽ được rà soát về chất lượng, vị trí; so sánh và đối chiếu cao độ, chuyển vị trí (nếu có) so với thiết kế được duyệt nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của công trình.

Chùm ảnh quá trình thi công chuẩn bị thay gối mới cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vào chiều 21/1.

Thay gối cao su cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa bị rơi thế nào? - Ảnh 3.

Việc thi công, lắp đặt gối được thực hiện bằng xe cẩu chuyên dụng

Thay gối cao su cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa bị rơi thế nào? - Ảnh 4.

Công nhân được cẩu đưa lên vị trí lắp đặt gối

Thay gối cao su cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa bị rơi thế nào? - Ảnh 5.

Công nhân đang lấy gối tạm ra khỏi trụ, chuẩn bị lắp gối mới vào đá kê gối

Thay gối cao su cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa bị rơi thế nào? - Ảnh 6.

Các tấm thép kê tạm thay thế gối bị rơi đã được lấy xuống mặt đất, sẵn sàng cho công đoạn lắp gối mới

Thay gối cao su cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa bị rơi thế nào? - Ảnh 7.

Các vật tư phục vụ thi công lắp gối cung đã được chuẩn bị

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội