Chủ đầu tư tại TPHCM chưa dành 20% quỹ đất dự án để xây nhà ở xã hội


VOV.VN - Nguồn cung nhà ở xã hội ngày càng ít còn quỹ đất để xây dựng sản phẩm này như quy định cũng mất hút.

Nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định: Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có trách nhiệm dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Thế nhưng, tại đô thị đông dân bậc nhất cả nước như TPHCM, nguồn cung nhà ở xã hội ngày càng ít, còn quỹ đất để xây dựng sản phẩm này như quy định cũng mất hút.

Chính sách chưa đi vào cuộc sống

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, trong số các dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn nhà ở hình thành trong tương lai năm 2020, có 7.114 căn thuộc phân khúc cao cấp (tỷ lệ 42,1%). Phân khúc trung cấp có 9.618 căn (tỷ lệ 56,9%). Trong khi đó phân khúc bình dân chỉ có 163 căn, chiếm tỷ lệ 1%. Trong khi các phân khúc khác đều tăng so với năm 2019, riêng phân khúc bình dân giảm đến gần 99%.

Sở Xây dựng TPHCM đánh giá thị trường đang thiếu nguồn cung, thậm chí là “tuyệt chủng” nhà ở xã hội trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân của việc này liên quan đến khó khăn về quỹ đất. Các chủ đầu tư chưa thực hiện hiệu quả quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Chính sách về nhà ở xã hội cần nghiên cứu kỹ và có thực tế hơn.

Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT công ty Xuân Mai cho biết, lý do doanh nghiệp không mặn mà với việc dành quỹ đất trong dự án của mình để xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá thấp là do những chính sách quy định còn mang tính hình thức.

“Chính sách mang tính hình thức cần phải sửa lại. Một khu đô thị để dành ra một quỹ nhà ở xã hội sẽ rất khó thực hiện. Tại sao Nhà nước không đấu giá, thu tiền đất hỗ trợ chủ đầu tư để làm hạ tầng? Giờ rất khó để quy hoạch và đưa ra giá bán vì thị trường phải đúng nghĩa của nó”, ông Sơn đề cập.

Phải có hành lang pháp luật để tạo quỹ đất

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT công ty Nam Long cho rằng, việc phát triển quỹ đất hiện nay đang có sự mâu thuẫn giữa lợi ích của người dân, của doanh nghiệp và của Nhà nước. Ông Quang nhấn mạnh, cần phải xem phát triển đô thị là vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và của người dân. Do đó, phải xây dựng những cơ chế, chính sách, hành lang pháp luật để tạo quỹ đất.

Theo ông Quang, chính sách tổng thể đối với nhà ở xã hội thì rất hay, nhưng để áp dụng thì chưa cụ thể, chưa hiện thực hoá được. Do đó, chính sách này chưa khuyến khích được các nguồn lực của xã hội cùng tham gia. Để giải quyết vấn đề này, ông Quang kiến nghị cần phải có cơ chế thoáng hơn.

“Cơ chế, chính sách phải rất nhanh bởi nếu chậm 1 năm thì chi phí tài chính đã bị đội lên, chậm 3 năm là mất 30% chi phí. Muốn làm rẻ được thì hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để triển khai dự án phải nhanh nhất”, ông Quang nói.

Hầu như không có dự án nhà ở thương mại ở TPHCM dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoà Bình khẳng định, thành phố sẽ ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà giá thấp. Ngành xây dựng của TPHCM phấn đấu đạt tổng diện tích nhà ở xây dựng mới 50 triệu m2 vào cuối 2025, đạt chỉ tiêu bình quân 23,5m2/người. Về vấn đề quỹ đất, ông Bình cho rằng cần phải có sự phối hợp giữa nhiều sở ngành để cùng giải quyết.

“Việc phối hợp giữa các Sở, ngành với nhau còn đang gặp khó khăn. Ngành xây dựng và ngành tài nguyên - môi trường phải gắn chặt với nhau vì không có đất thì không thể xây nhà. Công tác phối hợp rất quan trọng, dù đã ký rất nhiều quy chế phối hợp nhưng vẫn còn nghẽn mạch ở một vài công việc”, ông Bình chỉ ra.

Để giải quyết “cơn khát” nhà ở giá thấp tại TPHCM, cần phải có sự thay đổi tổng thể. Về phía Trung ương, các cơ quan soạn thảo chính sách cần xem xét thấu đáo, có thực tế để khi ra đời thì chính sách có thể đi vào cuộc sống. Còn về phía địa phương, các cơ quan chức năng cần chủ động, tích cực trong việc phối hợp để đảm bảo chủ đầu tư thực thi nghiêm túc các chính sách được ban hành./.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội