Bài thuốc chữa bệnh từ đậu tương


Hạt đậu có vô vàn màu sắc đa dạng khác nhau, người ta cũng thường dựa theo màu sắc để đặt tên cho nó như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh...Nhưng trong các loại đậu tạo thành ngũ cốc thì đậu tương chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là lượng đạm dồi dào.
 
Cây đậu tương hoặc đậu nành là một loại cây nằm trong dòng họ Đậu, tên khoa học là Glycine max. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, đậu nành có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như: chống loãng xương, giảm các triệu chứng của phụ nữ như tiền mãn kinh, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, đặc biệt là giảm nguy cơ cho bệnh tim mạch. 
Trong 100g đậu nành các thành phần dinh dưỡng cơ bản bao gồm: năng lượng 173Kcal, nước 63%, protein 16,6g, carbs 9,9g, fat 9g và các vitamin. Đậu nành cung cấp các vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B, C), vitamin tan trong dầu, vitamin K tốt cho quá trình đông máu, mà còn cung cấp các chất khoáng như canxi, sắt, kẽm... Trong đậu nành chứa nhiều chất xơ rất cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho tim mạch, cải thiện các vấn đề tiêu hóa. Bên cạnh đó, đậu nành chứa các chất có hoạt tính sinh học, giúp cơ thể chống gốc tự do, chống lão hóa, giảm cholesterol máu.
 
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu lạm dụng đậu nành có thể làm ảnh hưởng không tốt đến chức năng tuyến giáp, hoặc gia tăng nguy cơ bị dị ứng.
 
Để tận dụng những giá trị dinh dưỡng tốt cũng như hạn chế tác dụng không mong muốn khi sử dụng đậu tương, cần đi khám sức khỏe định kỳ để được khám, điều trị cũng như tư vấn chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe từng người.
 
Trong y học cổ truyền, các thầy thuốc đời xưa đã rất chú trọng dùng đậu và các sản phẩm từ đậu đơn thuần hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác nhằm mục đích vừa bồi bổ sức khỏe vừa trị liệu bệnh tật. Dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc một số phương thuốc bổ dưỡng bằng đậu tương để bạn đọc tham khảo với công dụng và cách dùng cụ thể:
 
Bài 1: đậu tương, vừng đen, lạc, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ lượng bằng nhau, đường trắng lượng vừa đủ. Các vị sao thơm tán bột, trộn đều, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 30g với nước đường hoặc sữa tươi. Công dụng: tư bổ can thận, cường than đen tóc, dùng thích hợp cho những người thể chất suy nhược, sắc mặt không tươi, tóc bạc sớm hoặc rụng nhiều, có thể dùng làm bột ăn dưỡng sinh hàng ngày.
 
Bài 2: bột đậu tương 100g, bột mì 100g, bột ngô 200g, trứng gà 4 quả, đường đỏ 150g, sữa bò 150g. Ba thứ bột trộn đều cùng đường đỏ, đập trứng và đổ sữa bò vào rồi chế them nước vừa đủ, trộn kỹ, nặn thành những chiếc bánh nhỏ, nướng chín, mỗi ngày ăn 30-50g. Công dụng: kiện tỳ ích vị, tư âm bổ huyết, chuyên dùng cho sản phụ suy nhược, thiếu máu do thiếu sắt.
 
Bài 3: đậu phụ 200g, đầu cá chép 1 cái, khiếm thực 25g, rau cần, hành, gừng tươi, dầu vừng và gia vị vừa đủ. Đầu cá làm sạch bổ đôi, ướp với gừng và gia vị rồi nấu sôi. Khiếm thực ngâm nước ấm cho mềm rồi xát bỏ vỏ, đậu phụ thái miếng rán vàng. Cho khiếm thực, đậu rán, rau cần và hành vào nồi nấu cùng đầu cá cho chín, dùng làm canh ăn trong ngày. Công dụng: bổ dưỡng não tủy, dùng cho người bị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể.
 
Bài 4: đậu tương 1.000g, đan sâm 500g, mật ong 250g, đường phèn 30g. Đậu tương rửa sạch, ngâm nước lạnh trong 1 giờ, sau đó đổ vào nồi ninh nhỏ lửa với 3.000ml nước cho nhừ rồi tán nhuyễn. Đan sâm rửa sạch, ngâm nước 1 giờ rồi sắc kỹ 2 lần lấy dịch chiết, bỏ bã. Trộn dịch đậu tương và dịch đan sâm với nhau, hòa mật ong và đường phèn rồi đem chứng cách thủy trong 2 giờ, để thật nguội rồi cho vào lọ, đậy kín dùng dần. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần chừng 15g. Công dụng: tư âm nhuận táo, bổ ích ngũ tạng, thông kinh hoạt lạc, dùng rất tốt cho những người suy nhược cơ thể có vữa xơ động mạch, huyết áp cao, viêm gan mạn tính.
 
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội