Dưới thời Tổng thống Joe Biden: Ưu tiên hàn gắn nước Mỹ


Kinhtedothi - Nước Mỹ đã chính thức bước sang một trang mới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống thứ 46 Joe Biden nhưng những thách thức hiện tại về chính trị, y tế và kinh tế, dự báo sẽ khiến chính phủ của ông phải đối mặt với áp lực không hề nhỏ ngay trong những ngày làm việc đầu tiên.
Tân Tổng thống của nước Mỹ không phải là người xa lạ với những khởi đầu khó khăn, bởi vào thời điểm ông Biden trở thành Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, thế giới đang chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, rõ ràng những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại nghiêm trọng và sâu sắc hơn nhiều so với năm 2009, điều đòi hỏi bản lĩnh chính trị và những biện pháp quyết liệt từ người lãnh đạo.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn: AFP
Nhiều thành viên Đảng Dân chủ tin rằng, ông Obama đã dành quá nhiều thời gian trong năm đầu tiên trên cương vị Tổng thống để tìm kiếm sự ủng hộ của cả hai đảng đối với các chính sách mà ông khởi xướng. Nhưng ở thời điểm này, thời gian với ông Biden có lẽ là một điều xa xỉ và để giành lấy sự ủng hộ từ Đảng Cộng hoà, ông Biden cần cho thấy các kết quả một cách nhanh chóng, cụ thể. “Trong ngắn hạn, ưu tiên hiện nay của chính phủ mới là cần cho người dân thấy và cảm nhận những sự đổi thay mang tính tích cực” - Phó Chủ tịch Trung tâm Tiến bộ Mỹ Mara Rudman nhận định.

Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử đã đề xuất một kế hoạch gồm hàng loạt các mệnh lệnh hành pháp dự kiến sẽ được công bố trong 10 ngày đầu tiên, nhằm thúc đẩy việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như bãi bỏ các chính sách gây tranh cãi của ông Trump, mà điển hình là lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Ngoài ra, một ưu tiên khác trong chính sách của ông Biden là tái thiết mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống phương Tây, đồng thời gây dựng lại tầm ảnh hưởng trong một thế giới ngày càng phân cực.

Những bước đi đó sẽ cần song hành với các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế trong nội tại nước Mỹ. Đến nay, số người tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 400.000 người, trong khi số lao động có việc làm giảm mạnh gần 10 triệu người so với thời điểm tháng 2/2020.

Trước thời điểm nhậm chức, ông Biden đã công bố gói cứu trợ kinh tế giá trị 1.900 tỷ USD, bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho người dân và bổ sung kinh phí cho các tiểu bang. Việc thuyết phục Quốc hội thông qua đề xuất này sẽ là bài kiểm tra đầu tiên đối với chính quyền của ông Biden. Điều này càng trở nên khó khăn khi Đảng Dân chủ chỉ giành được lợi thế sít sao về số ghế so với Đảng Cộng hoà tại cả Hạ viện và Thượng viện, trong khi sự chia rẽ giữa hai đảng vốn đã bị khoét sâu sau vụ bạo động tại Quốc hội ngày 6/1.

“Chính phủ mới đang đứng trước áp lực buộc phải sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhưng tình hình chính trị phức tạp hiện tại với sự không hợp tác từ chính quyền cũ, sự chia rẽ đảng phái và dịch bệnh, đang khiến mọi thứ trở nên khó khăn” - ông John Lawrence, nguyên Trợ lý của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói.
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội