Ngành Ngân hàng Hà Nội: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô


Đó là nhấn mạnh của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng trên địa bàn Hà Nội năm 2021, tổ chức hôm 19/1/2021.

Đóng góp tích cực vào thành tích chung

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, trong năm 2020 hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; đóng góp tích cực hoạt động chung của Ngành và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,91% so với cuối năm trước; tổng dư nợ đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,58%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực, dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn đạt 190.333 tỷ đồng, chiếm 9,09%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 110.228 tỷ đồng, chiếm 5,27%; dư nợ cho vay hỗ trợ DNNVV đạt 395.541 tỷ đồng, chiếm 18,9%; dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 549.520 tỷ đồng…

nganh ngan hang ha noi day manh ho tro phat trien kinh te xa hoi thu do
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thông tin thêm về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2020, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Huy cho biết, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 11.500 khách hàng, với tổng dư nợ đạt 45.200 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 5.000 khách hàng với tổng số tiền miễn, giảm đạt hơn 75 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi đạt 445.684 tỷ đồng cho hơn 37 nghìn lượt khách hàng.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, song các TCTD đã tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Sau hơn 3 năm triển khai, công tác xử lý nợ xấu của các TCTD đã đạt được những kết quả khá tích cực, tỷ lệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng Hà Nội tiếp tục thực hiện Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng mới hiện đại, khuyến khích khách hàng thực hiện các giao dịch online giúp khách hàng hạn chế đến các điểm giao dịch của ngân hàng.

Với chủ trương quan tâm và chú trọng công tác an sinh xã hội thống nhất từ NHNN, các TCTD đều có chương trình tín dụng an sinh xã hội, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách, với dư nợ đến 31/12/2020 đạt 9.836 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ vốn có hiệu quả cho các đối tượng chính sách.

Mặc dù, hoạt động kinh doanh của các TCTD còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái và ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, ngành Ngân hàng Hà Nội đã đóng góp xấp xỉ 100 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội...

Huyết mạch của kinh tế Thủ đô

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, NHNN Hà Nội và các TCTD trên địa bàn đã chấp hành và triển khai kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN Việt Nam và Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, góp phần quan trọng đưa chính sách vào cuộc sống, đặc biệt là chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh. Những thành tựu chung mà ngành Ngân hàng đạt được trong năm 2020 có sự đóng góp rất quan trọng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Nội.

nganh ngan hang ha noi day manh ho tro phat trien kinh te xa hoi thu do
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì hội nghị

Theo Phó Thống đốc, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước ta. Là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, các kế hoạch 5 năm về cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính, đầu tư công theo các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Bên cạnh đó, tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, trong đó có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng.

Trước bối cảnh đó, đòi hỏi NHNN Chi nhánh thành phố và mỗi TCTD trên địa bàn cần phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020, quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 và Chỉ thị 01/CT-NHNN của NHNN để nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế; tranh thủ thời cơ, phấn đấu hoàn thành các nhiệm được giao trong năm 2021, tạo tiền đề hoàn thành nhiệm vụ cả giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả chung của Ngành, xứng đáng với vai trò là hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thủ đô.

Cơ bản nhất trí với báo cáo đánh giá tình hình hoạt động ngân hàng năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của NHNN Chi nhánh Hà Nội nêu ra tại hội nghị, Phó Thống đốc yêu cầu, NHNN Hà Nội tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát, không chỉ là kế hoạch của năm 2021 mà bổ sung những việc còn tồn đọng của năm 2020.

Đối với các TCTD trên địa bàn, Phó Thống đốc chỉ đạo tiếp tục coi trọng và triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giảm lãi suất, cơ cấu lại một cách hợp lý theo hướng dẫn của NHNN; đồng thời thực hiện đúng các quy định, đặc biệt trong vấn đề quản lý rủi ro tín dụng, hồ sơ tín dụng. Tiếp tục quản lý tốt vấn đề ngoại tệ, đặc biệt trong vấn đề chuyển tiền thanh toán của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như chuyển tiền ra nước ngoài. Các NHTM cần tuân thủ chặt chẽ những quy định về quản lý ngoại tệ. Các NHTM, đặc biệt ở thành phố cần chú trọng tín dụng vào các đối tượng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án cho vay theo chuỗi. “Các ngân hàng cần linh hoạt, nhanh nhẹn nhận biết xu hướng của thế giới, bắt nhịp càng nhanh thì càng có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, công khai minh bạch, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”, Phó Thống đốc lưu ý.

Phó Thống đốc tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và bản lĩnh vững vàng, hệ thống ngân hàng Hà Nội sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian tới.

Minh Khôi

Nguồn:

Bài liên quan

QTDND Quý Sơn: Sức mạnh từ những người phụ nữ...

Có lẽ hiếm có QTDND nào mà từ chủ tịch HĐQT, giám đốc đến nhân viên giao dịch đều là nữ. Thế nhưng, tập thể toàn nữ ấy đang viết nên những câu chuyện đẹp khi chắt chiu từng đồng vốn nhỏ làm giàu cho các thành viên của mình. Giúp các thành viên ngày ...

M2 chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

Trước giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19, Công ty Cổ phần M2 Việt Nam quyết định ngừng làm việc trực tiếp tại các không gian trong chuỗi Hệ thống 21 cửa hàng của M2 và chuyển sang giao dịch online từ 13h00 ngày 26/3/2020 đến 8h00 ngày ...

Xem xét ứng dụng Big Data trong quản trị dữ liệu

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, các ngân hàng cần quan tâm đến đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu, dành một khoản đầu tư riêng cho việc nâng cấp hệ thống dữ liệu và tăng cường việc ứng dụng các giải pháp công nghệ của Big Data trong phân tích và ...

Năm 2020 điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 2%-2,5%

Năm 2020, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lạm ...
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội