Thị trường nội địa: Thúc tăng trưởng cho “cỗ tam mã”


Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng được được ví von như “cỗ tam mã” cho tăng trưởng kinh tế và thực tế, năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là một trong những chỉ tiêu duy trì tăng trưởng, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của đất nước. Tuy nhiên, duy trì được chỉ số vĩ mô này không hề đơn giản khi năm 2020, nền kinh tế nói chung và thị trường nội địa nói riêng chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh và thiên tai.

Đảm bảo cung cầu và giá cả hàng hóa trong mọi tình huống

Chỉ rõ những khó khăn trong năm 2020, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển hai nhiệm vụ năm 2021 của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) diễn ra ngày 20/1, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, từ cuối quý I, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh trước những lo ngại về nguồn cung khi Nhà nước thực hiện các biện pháp cách ly để phòng chống lây lan dịch bệnh, nhu cầu các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn tăng đột biến.

Thị trường nội địa: Thúc tăng trưởng cho “cỗ tam mã”

Trước những diễn biến trên, Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương kịp thời ban hành các Chỉ thị và triển khai kế hoạch hành động, theo đó chỉ đạo các địa phương có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống với phương châm 4 tại chỗ “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng “chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”.

Song song với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn tăng lượng dự trữ, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên toàn hệ thống cho người dân; triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, diễn biến dịch bệnh để ổn định tâm lý của người dân, tránh việc “đổ xô” đi mua hàng hóa tích trữ gây mất cân đối cung cầu; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa trong những giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm hàng hóa được cung ứng cho các địa bàn liên tục, không gián đoạn.

Bên cạnh việc bảo đảm nguồn hàng thiết yếu phục vụ đời sống, Bộ Công Thương cũng đã triển khai tích cực, kịp thời công tác chỉ đạo sản xuất, phân phối, cung ứng các sản phẩm khẩu trang vải cho thị trường nhằm giảm áp lực đối với khả năng cung cấp khẩu trang y tế còn hạn chế, nhanh chóng ổn định thị trường khẩu trang, hỗ trợ lớn cho công tác phòng chống dịch một cách hiệu quả.

“Do thực hiện tốt công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phòng chống dịch cho thị trường ngay trong giai đoạn đầu của dịch bệnh Covid-19 (hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu luôn đáp ứng đủ nhu cầu tăng mạnh của người dân kể cả giai đoạn giãn cách xã hội) nên đã tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Chính vì vậy, đến giai đoạn 2, 3 của dịch bệnh, trên thị trường hầu như không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, thị trường được bình ổn; hàng hóa nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh luôn được bảo đảm”, bà Lê Việt Nga chia sẻ.

Nhằm triển khai chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão, Vụ Thị trường trong nước đã có Công văn số 2868/BCT-TTTN ngày 24/4/2020 hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt trong giai đoạn lũ lụt và cơn bão số 9 ở các tỉnh miền Trung, Vụ thường xuyên đôn đốc, bám sát tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu nói chung, hàng hóa nguyên vật liệu nói riêng tại các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng. Công tác ứng phó và khắc phục thiên tai được thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống. Đồng thời, Vụ đã lên phương án, liên hệ với các nhà cung cấp lớn nhằm điều tiết hàng hóa thiết yếu khi xảy ra đứt nguồn cung tại các tỉnh bị ảnh hưởng.

Các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước được thực hiện thường xuyên, với đa dạng hình thức, giúp ổn định cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, góp phần quan trọng thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Riêng về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bà Lê Việt Nga chia sẻ, năm qua, Vụ đã nghiên cứu, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định thay thế các Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BCT ngày 30/6/2020 về việc quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; xây dựng Đề án “”Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”...

Loạt giải pháp kể trên đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2020 đạt 5.059.846 tỷ đồng, tăng 2,62% so với năm 2019. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ năm 2020, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân giữ được mức tăng trưởng khá gồm lương thực, thực phẩm, đồ dùng, trang thiết bị gia đình với mức tăng từ 7,9-10,6% nên đã kéo mức tăng tổng mức bán lẻ của nhóm hàng hóa đạt 6,78%.

Đánh giá cao công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Vụ Thị trường trong nước, bà Trần Đỗ Quyên – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: “Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Vụ trong năm vừa qua tương đối xuất sắc. Đặc biệt, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có nhiều nội dung phức tạp và liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau nên không tránh được việc chỉnh sửa. Song Vụ đã trình kịp thời hạn và sửa đổi kịp những nội dung bên ngoài có ý kiến, thể hiện sự cầu thị cao trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Là đơn vị phối hợp tích cực với Vụ Thị trường trong nước trong việc triển khai các sự kiện xúc tiến thương mại (XTTM), ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục XTTM cho hay, các hoạt động XTTM ở thị trường trong nước đã hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa, tạo lập kênh phân phối, giúp doanh nghiệp được tiếp cận người tiêu dùng, thiết lập kênh phân phối tại nhiều địa phương còn khó khăn, đưa hàng hóa đến người tiêu dùng với chất lượng và giá cả hợp lý.

“Đặc biệt, Vụ đã phối hợp với Cục XTTM triển khai Tháng Khuyến mãi cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên phạm vi cả nước với hàng nghìn chương trình khuyến mãi sâu từ 80 - 100%, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như may mặc, tiêu dùng, điện máy… góp phần vào con số tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng trong tháng 7” – ông Hoàng Minh Chiến đánh giá.

Ngoài ra, Vụ còn hỗ trợ với Cục XTTM tổ chức các chương trình kết nối cung cầu kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, góp phần giúp thị trường trong nước năm 2020 được thông suốt trên phạm vi cả nước, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, không để xảy ra tình trạng “giải cứu” như mọi năm. Các hoạt động được triển khai trên quy mô lớn, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, phân tán của công tác XTTM như các năm trước.

Năm 2020 cũng được đánh giá là năm khó khăn cho điều hành giá mặt hàng xăng dầu khi mặt hàng này có sự biến động mạnh, lúc tăng lúc giảm, có thời điểm bị doanh nghiệp găm hàng giữ giá. Ông Bùi Ngọc Bảo - Quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, khác với tình hình mọi năm, năm nay thị trường trong nước chịu ảnh hưởng của một yếu tố đặc biệt là dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước đã làm tốt công tác quản lý nhà nước trước sự thay đổi trong tình hình mới.

“Đặc biệt, năm 2020, Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc xây dựng lại Nghị định 83. Đây là Nghị định quan trọng, tác động đến một trong những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, ban soạn thảo đã có những cách tiếp cận mới trong xây dựng nghị định; đã phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu trong việc đưa ra những luận cứ mới trong cách sửa chữa văn bản. Sau khi trình Chính phủ ban hành trong năm 2021, Nghị định được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao trong điều hành mặt hàng xăng dầu phù hợp những thay đổi trong tình hình mới” – ông Bùi Ngọc Bảo cho hay.

Mục tiêu mới cho năm 2021

Năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm Vụ Thị trường trong nước đề ra là hoàn thành các mục tiêu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, đề án. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng thực hiện công tác theo dõi, dự báo điều tiết cung - cầu hàng hóa; công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm; quản lý an toàn thực phẩm và giá sữa; công tác quản lý và phát triển hạ tầng thương mại; quản lý các mặt hàng kinh doanh có điều kiện; Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”trong đó khẩn trương hoàn thiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; Công tác phát triển thương mại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, khẩn trương thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục phối hợp với Cục Công Thương địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong giai đoạn tiếp theo, trong đó tập trung vào xây dựng và nhân rộng mô hình Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị

Ghi nhận những thành tích mà Vụ Thị trường trong nước đã đạt được trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Trong 3 yếu tố quan trọng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, vai trò của thị trường trong nước là rất quan trọng, đóng góp lớn cho thành tích chung”.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được coi trọng, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài bộ, các hiệp hội, doanh nghiệp. Công tác dự báo điều tiết cung cầu thị trường được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa, không tạo ra bất ổn trong xã hội. Năm 2020, Vụ Thị trường trong nước đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Bộ Công Thương, ngành Công Thương.

Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng yêu cầu năm 2021, Vụ Thị trường trong nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao độ chuyên nghiệp trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác hậu kiểm… “Năm 2020, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ta đã vượt qua được, hy vọng năm 2021, quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước sẽ đạt hiệu quả cao hơn” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng.

Phương Lan

Bài liên quan

Hà Nội: Phát hiện cơ sở sang chiết rượu tây giả

Hàng trăm chai rượu hình các con vật được một cơ sở có địa chỉ tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội sản xuất dưới hình thức sang chiết, dán nhãn giả xuất xứ nước ngoài chuẩn bị tuồn ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán vừa bị lực lượng chức ...

Giá vàng hôm nay ngày 20/1: Vàng có xu hướng đi ngang

Giá vàng tăng trở lại nhờ triển vọng của gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ đã làm giảm tác động của đồng USD và gia tăng sức hấp dẫn của vàng như một tài sản phòng lạm phát. Thêm vào đó, đồng bạc xanh đã chạm đỉnh 4 tuần so với các đồng tiền đối thủ, ...

Ba Lan tăng nhập khẩu cà phê Việt

9 tháng đầu năm 2020, Ba Lan tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với mức tăng 30,6% về lượng và tăng 27,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 11,1 nghìn tấn, trị giá 18,42 triệu USD.
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội