Hệ luỵ của "cơn sốt" điện mặt trời
Vừa qua, Diễn đàn Doanh nghiệp nhận được kiến nghị từ lãnh đạo Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu phản ánh về việc doanh nghiệp bị tiết giảm công suất liên tục từ ngày 27/12/2020, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng điện của Nhà máy. Chia sẻ rõ hơn về bức xúc này, đại diện doanh nghiệp cho biết, nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu chính thức vận hành thương mại giai đoạn I công suất 16MW (10 turbine) vào ngày 18/6/2013 và vận hành thương mại toàn dự án vào ngày 30/9/2016 với 100% công suất là 99,2 MW.
Sự cần thiết phải nâng cấp hệ thống truyền tải, đảm bảo giải tỏa hết công suất các đơn vị phát điện đã đăng ký.
"Từ thời điểm vận hành đến gần cuối cùng năm 2020, điện năng phát lên lưới luôn ổn định, có những thời điểm phát 100% công suất cũng không gây ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải quốc gia. Tuy nhiên, ngày 27/12/2020, Nhà máy bị yêu cầu cắt giảm với thời gian là 4 giờ 15 phút, khiến doanh nghiệp bị tổn thất sản lượng điện lên tới hơn 18 MWh. Đáng chú ý, kể từ sau lần cắt giảm đầu tiên này, nhà máy điện gió Bạc Liêu liên tục bị tiết giảm, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát điện và doanh thu của doanh nghiệp...Thực trạng này không chỉ gây hao hụt, thiệt hại về kinh tế của các dự án mà còn khiến những nhà đầu tư như chúng tôi vô cùng lo lắng"- Đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Theo vị đại diện này, xảy ra thực trạng trên là do từ khi có chủ trương cho phép đầu tư năng lượng mặt trời áp mái, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tràn lan mất kiểm soát, gây nên hệ luỵ quá tải của toàn hệ thống. Do đó, để đảm bảo an toàn phát điện của nhà đầu tư, đại diện Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu đề xuất, Bộ Công thương cần có chiến lược quy hoạch sơ đồ phát triển năng lượng tái tạo dài hạn; Ban hành quy định về đăng ký đầu tư mới các nhà máy điện cũng như điện mặt trời áp mái để quản lý công suất không làm quá tải đường dây làm ảnh hưởng các đơn vị phát điện khác. Trong đó đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống truyền tải, đảm bảo giải tỏa hết công suất các đơn vị phát điện đã đăng ký sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Đồng thời EVN cần cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản trong Hợp đồng PPA đã ký kết với Nhà máy điện gió Bạc Liêu, không thực hiện cắt giảm công suất đối với các đơn vị phát điện đang hoạt động ổn định. Quy định này được khẳng định tại Khoản 1 Điều 2 của Hợp đồng mua bán điện; “Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện phát lên lưới của Bên mua theo giá mua điện quy định tại khoản 2 Điều này”.
Không chỉ có Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió đang đau đầu do phải cắt giảm công suất. Như mới đây, đại diện Dự án mặt trời Hoà Hội cho biết, trong vòng 4 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, nhà máy liên tục phải cắt giảm công suất vì lý do đường dây quá tải, nhu cầu giảm. Với những bất cập trên Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, trong năm 2021 dự kiến sẽ phải cắt giảm 1,3 tỷ kWh điện ở khối năng lượng tái tạo, trong đó có 500 triệu kWh là do thừa nguồn, thấp điểm trưa và quá tải vận hành đường dây 500 kV.
Cần phương án quy hoạch tổng thể
Đưa ra phương án phát triển hành lang năng lượng tái tạo tại Việt Nam, GS.TS Lê Chí Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Môi trường - Tài nguyên - Năng lượng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh góp ý, ngoài chiến lược phát triển hệ thống lưới điện truyền tải thì Nhà nước cần có quy hoạch về tổng thể, không thể để quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ và bám đuổi thực tế như hiện nay. Thậm chí quy hoạch còn có thể bị tác động từ nhiều phía như địa phương, nhà đầu tư và doanh nghiệp… Do đó, quy hoạch phải có tầm nhìn rộng, ổn định và bám sát tình hình thực tế.
Cắt giảm công suất gây hao hụt sản lượng của nhà máy phát điện.
Về thực trạng cắt giảm công suất, cần có phương án đảm bảo công suất phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể là ổn định được nguồn điện nền (điện lưới hệ thống quốc gia) phải đảm bảo một tỉ lệ hợp lý, không gây nên hệ luỵ mất ổn định hệ thống lưới điện, bởi bản chất của các nguồn phát điện từ năng lượng tái tạo là kém ổn định.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư, Nhà nước cần có bài toán giải quyết hợp lý mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Về cơ bản mối quan tâm của nhà đầu tư là lợi ích về tài chính như: chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn, giá bán điện lên lưới….Trong khi đó, về phía Nhà nước thì khái niệm lợi ích bao trùm hơn, vì ngoài mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Nhà nước luôn khuyến khích gia tăng phát triển các nguồn cung cấp năng lượng, hướng tới chiến lược phát triển bền vững, đảm bảo môi trường và ổn định dân sinh…
Đưa ra các giải pháp mang tính bền vững, các chuyên gia cho rằng, để giải quyết bài toán mang nhiều mâu thuẫn đó thì cần phải lưu ý đến vấn đề quy hoạch và giá thu mua điện. Giá thu mua điện sẽ là vấn đề hóc búa nhất. Vì giá mua rẻ thì nhà đầu tư không hào hứng, giá mua cao thì tạo cơn nóng sốt và phá vỡ quy hoạch...
Do đó để ổn định lâu dài, tránh tình trạng thay đổi liên tục như hiện nay thì Nhà nước cần đưa ra những chủ trương rõ ràng và cụ thể, kể cả luật hóa việc huy động nguồn lực của các nhà đầu tư trong việc phát triển lưới điện truyền tải.
Trước thực trạng phát triển quá nóng của điện mặt trời, ảnh hưởng thiệt hại kinh tế của các nhà máy phát điện, môi trường, hệ sinh thái... trong thời gian qua; chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ khi ban hành Nghị định, quy định về hành lang pháp lý nhằm điều chỉnh khuyến khích phát triển lĩnh vực điện mặt trời thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong đó, các Bộ ban ngành gồm Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương cần nghiên cứu về tính khả thi của văn bản. Đặc biệt là hiệu quả thực tế của các văn bản; Ai phải chịu trách nhiệm; Nếu không xử lý thì hình thức chế tài như thế nào....? Đó là những bất cập cần đưa ra để lấy ý kiến của doanh nghiệp nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của văn bản.
Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.