Việc lập kế hoạch nhằm đảm bảo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025, theo Sở Giao thông Vận tải ngày 20/1. Các công việc chuẩn bị, bao gồm lập chủ trương đầu tư, lập đề xuất dự án cần hơn 24 tỷ đồng. Trong đó, lập dự án sử dụng ngân sách cần 7 tỷ đồng, dự án kêu gọi đầu tư cần 17 tỷ đồng.
Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước được đề xuất ưu tiên đầu tư
Nhóm dự án kết nối liên vùng, gồm 5 công trình: nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu (TP Thủ Đức), dài 4,5 km, tổng vốn dự kiến gần 10.000 tỷ đồng; xây đường song hành Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn), dài 8,5 km, tổng đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng; đường trục động lực (song hành quốc lộ 50 đi qua huyện Nhà Bè, Bình Chánh), dài 8,6 km, vốn hơn 4.000 tỷ đồng; mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Ông Lớn (huyện Hóc Môn), kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường Long Hậu (huyện Nhà Bè), dài 1,8 km, vốn 500 tỷ đồng.
Xây dựng 4 cầu: Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân), tổng đầu tư 325 tỷ đồng; cầu Thủ Thiêm 4 (quận 7, 2), đầu tư 5.300 tỷ đồng; cầu Cần Giờ (huyện Nhà Bè, Cần Giờ), vốn gần 10.000 tỷ đồng; cầu Rạch Dơi (huyện Nhà Bè), kinh phí 782 tỷ đồng.
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang dùng vốn ngân sách sau 2 năm ngưng thi công
Nhóm công trình khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất, gồm 3 dự án: xây đường D7 từ đoạn giao tuyến Nguyễn Thị Tư đến Võ Chí Công (quận 9), dài 1,5 km, tổng vốn hơn 594 tỷ đồng; đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (quận 2, 9), dài 1,5 km, tổng vốn 578 tỷ đồng; mở rộng đường Trường Chinh từ đoạn giao Cộng Hoà đến Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), dài 420 m, vốn 30 tỷ đồng.
Với tuyến Vành đai 2, Sở Giao thông Vận tải đề xuất lập kế hoạch đầu tư 3 dự án gồm: đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh), dài 5,3 km, tổng vốn hơn 9.200 tỷ đồng; xây tuyến vành đai phía đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thuỷ và từ nút giao này đến đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2, 9), tổng chiều dài hơn 5 km, mức đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng.
Lộ trình tuyến đường trên cao Số 1 đi qua các khu vực trung tâm thành phố
Hai dự án đường trên cao: Số 1 (từ nút giao Cộng Hoà đến đường Ngô Tất Tố - quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), dài 9,5 km, tổng vốn 17.500 tỷ đồng; Số 5 (từ nút giao Trạm 2 đến An Sương - TP Thủ Đức đến quận 12), dài 21,5 km, vốn hơn 15.400 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất lập kế hoạch đầu tư ba dự án khác gồm: nâng cấp đường Ung Văn Khiêm và xây nút giao Đài Liệt sỹ (quận Bình Thạnh), dài 1,7 km, tổng đầu tư gần 2.800 tỷ đồng; dự án kết nối đồng bộ tuyến Metro Số 1 và Số 2 tại ga Bến Thành (quận 1), vốn hơn 2.000 tỷ đồng; nạo vét luồng, xây kè bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (huyện Bình Chánh), tổng vốn 233 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông Vận tải, các dự án nói trên đều "trọng điểm, cấp bách", cần ưu tiên bố trí vốn năm 2021 để đẩy nhanh công tác chuẩn bị. Việc đầu tư các dự án được xác định dựa trên những tiêu chí đánh giá tại Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030, mới được UBND TP HCM thông qua. Trong đó, đề án xây dựng 8 tiêu chí với từng thang điểm cụ thể để xác định mức độ ưu tiên, không làm dàn trải.
Hết năm 2020, tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP HCM đạt hơn 4.500 km, mật độ hơn 2 km mỗi km2 (tiêu chuẩn 10-13 km mỗi km2) và chỉ có 1.800 km có lòng đường rộng hơn 7 m (chiếm 44%).
Theo VnExpress