Trao chứng nhận OCOP cho các chủ thể kinh tế
Chương trình OCOP được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2018. Để triển khai hiệu quả, tỉnh đã rà soát, thống kê danh mục với hơn 100 sản phẩm có tiềm năng của các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 là hơn 32,3 tỷ đồng. Triển khai chu trình OCOP các cấp, từ năm 2019 đến 2020, có 34 chủ thể đăng ký tham gia chương trình với 36 sản phẩm, hầu hết là các sản phẩm đã có, được hỗ trợ các dự án chuẩn hóa và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao. Hiện còn 8 sản phẩm đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ tiếp tục đánh giá phân hạng. So với mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2019-2020 đã vượt kế hoạch, về cả sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và sản phẩm phấn đấu 4-5 sao.
Ông Phạm Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định, mục tiêu thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, phấn đấu ít nhất 100 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Phát triển từ 2 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP.
100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh và phấn đấu ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu...
Tin, ảnh: Hà Nguyên