Tổ chức cho học sinh đi dã ngoại: Nên hay không?


Kinhtedothi - Vụ tai nạn xảy ra với 3 học sinh (HS) trường THPT Đông Anh ở khu du lịch Đảo Ngọc Xanh đã gây lo lắng cho các phụ huynh, cũng như các trường và cộng đồng xã hội. Câu hỏi được đặt ra: Các trường có nên tổ chức cho HS đi tham quan, dã ngoại khi thực tế đang tiềm ẩn những nguy cơ? Đại diện các bên liên quan đã chia sẻ với Kinh tế&Đô thị về nội dung này.
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Nếu thấy không an toàn thì đừng tổ chức
Sự cố tai nạn xảy ra với 3 HS trường THPT Đông Anh, các trường tổ chức cho HS đi tham quan, dã ngoại phải có kế hoạch thực hiện với những giải pháp quản lý HS thật chặt chẽ. Tôi thấy, khi nhà trường ký với công ty du lịch để đưa HS đi tham quan, dã ngoại thì phía đối tác “lại quả” là điều hiển nhiên. Biết là phụ huynh bức xúc nhưng không nên cấm cản, mà yêu cầu việc tổ chức phải đảm bảo an toàn cho HS.
 Trò chơi tàu lượn siêu tốc tại Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ).
Theo tôi, khi các trường tổ chức những chương trình vui chơi giải trí đơn thuần nên vào dịp nghỉ đông, tổ chức trại hè, do công ty Nhà nước đứng ra tổ chức. Với chương trình này, cũng phải quy định chặt chẽ hoạt động, ăn uống, đi chơi thế nào, những ai quản lý HS ra sao. Khi nhà trường tổ chức cho HS đi tham quan, thực tế, điểm đến là các nhà máy, công xưởng để giao lưu với cán bộ, công nhân, nghe chương trình hướng nghiệp... Muốn có chương trình trải nghiệm hay, hằng năm đến mùa thu hoạch, nhà trường có thể tổ chức cho HS đến nông trường giúp đỡ công nhân hái quả, hái chè...

Nhưng vấn đề đặt ra là cách tổ chức quản lý thế nào và có những lường trước về tình huống, bởi trẻ em nhiều khi chơi vui sẽ phớt lờ những quy định về giờ giấc. Nếu cảm thấy điểm đến không an toàn thì đừng tổ chức. Còn bây giờ cấm tiệt HS đi dã ngoại thì không nên, như thế nhà trường lại đóng kín 4 bề.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Cán bộ được phân công phải có kỹ năng tốt, linh hoạt
Chương trình dã ngoại giúp cho HS thư giãn, có cơ hội tìm hiểu thêm các kiến thức xã hội, trải nghiệm với thực tiễn, tăng cường kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên ở độ tuổi mầm non và các cấp học phổ thông, trẻ em rất hiếu động, còn thiếu những kỹ năng sống, bởi vậy hoạt động dã ngoại thường xuyên xảy ra những vụ việc tai nạn, kể cả đối với các sinh viên đại học.
Một trong những nguyên nhân có thể kể đến là những điểm đến thường là những nơi mới lạ, gắn với thiên nhiên hoặc những trò chơi mạo hiểm, thu hút trí tò mò HS. Chính vì mới lạ, không quen về thời tiết, địa hình, đặc điểm tự nhiên hoặc về các trò chơi khiến nhiều khách du lịch cũng như HS có thể gặp sự cố, tai nạn.

Theo tôi, để tổ chức chương trình dã ngoại bảo đảm an toàn, nếu cán bộ, giáo viên được phân công thực hiện nhiệm vụ có kỹ năng tốt, linh hoạt, có trách nhiệm có thể giảm bớt được những rủi ro, nguy hiểm cho HS. Ngoài ra, việc liên kết, phối hợp giữa nhà trường đối với những điểm tham quan dã ngoại là rất quan trọng. Cán bộ, giáo viên của nhà trường cần phải có những thông tin đầy đủ, hiểu biết về đặc điểm, đặc tính của địa điểm có thể dẫn HS đến.
Với những trò chơi mạo hiểm hoặc khu vực nguy hiểm, nhà trường cần phải kiểm tra và bố trí cán bộ phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo an toàn tốt nhất cho HS; cần phải có những cảnh báo, có công cụ phương tiện và nhân lực hỗ trợ. Và, để giảm thiểu được những rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra đối với HS nói riêng, đối với khách du lịch nói chung, cần tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - Đoàn Minh Châu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): An toàn cho học sinh được đặt lên hàng đầu

Trước khi tổ chức cho HS đi dã ngoại, chúng tôi yêu cầu công ty du lịch chọn địa điểm đến có độ an toàn cao, không gây nguy hiểm cho các em; nơi đó không có sông suối, đồi núi cao. Cùng với việc phân công mỗi lớp có 1 giáo viên, phụ huynh HS, nhà trường yêu cầu đơn vị phối hợp phân công đội ngũ để quản lý giám sát chặt chẽ HS từng lớp.

Về chương trình đi, từ đầu năm học mới, nhà trường đã ban hành kế hoạch chung, đến thời gian gần đi sẽ lên kế hoạch cụ thể và thông qua tất cả HS, yêu cầu các em viết đơn tham gia chương trình và cha mẹ ký vào. Những trường hợp HS bị bệnh tim, say xe ô tô thì không đi. Có năm chúng tôi tổ chức cho HS toàn trường đi, nhưng có năm chỉ các em lớp 12 đi vào dịp 26/3 đến thăm đền thờ Chu Văn An. HS cả trường đi thì chúng tôi tổ chức chương trình hội trại và có nhiều hoạt động để thu hút được nhiều em tham gia.

Khi tổ chức chương trình trải nghiệm, chúng tôi xây dựng chương trình chi tiết, cẩn thận. Khi HS đi về nhà an toàn mới thấy việc tổ chức cùng lúc cho HS toàn trường đi không đơn giản. Chúng ta không nên vì sự cố xảy ra với trường THPT Đông Anh mà không cho HS đi trải nghiệm. Vấn đề là nhà trường và giáo viên phải có trách nhiệm và làm hết trách nhiệm.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh - phụ huynh (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân): Tôi không muốn cho con đi dã ngoại!

Biết là chương trình tham quan, dã ngoại sẽ giúp cho HS được tìm hiểu, trải nghiệm nhưng nếu nhà trường tổ chức cho các con đi địa điểm gần thì tôi đồng ý. Còn nếu trường tổ chức cho HS cấp THCS đi dã ngoại ở nơi xa, chúng tôi không muốn cho con đi vì không yên tâm. Dù biết rằng, đi cùng lớp có giáo viên chủ nhiệm, 1 giáo viên do nhà trường phân công và 1 hướng dẫn viên. Bên cạnh đó có thêm 1 - 2 bác đại diện hội cha mẹ HS đi cùng.

Mới đây, trường con tôi học tổ chức cho các cháu đi đến Khu du lịch Ao Vua. Tôi bị say xe nên không đi cùng con được. Cô giáo nói các con lớn rồi nên phụ huynh yên tâm; hơn nữa còn có mấy người lớn đi theo giám sát. Nhưng làm sao chúng tôi yên tâm để các con đi vì có những sự cố xảy ra không lường trước được. Đấy, các em HS trường THPT Đông Anh chơi trò cảm giác mạnh, chứ có nghịch ngợm đâu nhưng thiết bị vui chơi không đảm bảo dẫn đến sự việc xảy ra đau lòng quá. Vì thế, tôi mong muốn, các trường nếu cảm thấy chương trình dã ngoại cần thiết thì tổ chức. Khi tổ chức cho HS đi dã ngoại, nhà trường rất nên chọn địa điểm an toàn, bằng phẳng, gói gọn trong một khu vui chơi; tránh xa những chỗ sông nước, núi đồi.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH: Trách nhiệm và tình người của giáo viên

Trẻ em hoạt động tham quan, dã ngoại là rất cần thiết cho chuyện học tập và mở mang đầu óc đối với môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, trong việc tổ chức cho HS đi dã ngoại, thầy cô giáo phải có trách nhiệm quản lý bởi các vị phụ huynh đã giao phó. Không phải cứ đưa HS ra ngoài trời rồi giáo viên cứ để mặc các em muốn làm gì thì làm mà không quan tâm. Cho nên nhiệm vụ của các thầy, cô cực kỳ quan trọng và phải quy trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố. Cùng với đó là tình người và trách nhiệm của những người là giám đốc, phụ trách khu vui chơi ở khu du lịch, trang trại... - nơi nhà trường đưa HS đến. Trách nhiệm này có ràng buộc với pháp luật nếu trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội