Kiến nghị điều chỉnh giờ phát điện cao điểm, chi phí tránh được cho thủy điện vừa và nhỏ


 -  Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc “Điều chỉnh giờ phát điện cao điểm và biểu giá chi phí tránh được năm 2021 cho thủy điện vừa và nhỏ”.


Vai trò của thủy điện trong hệ thống khi Việt Nam phát triển mạnh điện mặt trời


Dưới đây là nguyên văn nội dung kiến nghị của VEA:

Trong những năm qua, với các cơ chế khuyến khích phát triển của nhà nước, đặc biệt là Quyết định 18/2008/QĐ-BCT ngày 18/7/2008, Thông tư số 32/2014/TT-BCT ngày 9/10/2014, Thông tư số 29/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 của Bộ Công Thương về việc ban hành Quy định về biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các nhà máy điện vừa và nhỏ (là dạng năng lượng tái tạo) đã khuyến khích các nhà đầu tư tích cực tham gia đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ theo chủ trương của nhà nước về xã hội hoá đầu tư nguồn điện.

Đến nay, tổng công suất đã phát điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước đạt khoảng 3.600 MW, đóng góp trung bình hàng năm hơn 14 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia (chiếm khoảng 6,5% sản lượng điện toàn hệ thống năm 2020). Thủy điện vừa và nhỏ đã góp một phần quan trọng trong việc phủ đỉnh các giờ cao điểm của hệ thống điện Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng, là nguồn năng lượng xanh, sạch và góp phần giảm giá thành của EVN với giá mua điện rẻ (giá trung bình theo Biểu phí năm 2020 là 1.110 đồng - tương đương 4,75 cent/kWh).

Tuy nhiên, vừa qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Văn bản số 8608/EVN-TTĐ ngày 30/12/2012, về việc “điều chỉnh giờ phát điện cao điểm nhà máy thủy điện áp dụng chi phí tránh được” và Văn bản số 42/EVN-TTĐ ngày 05/01/2021, về việc “biểu giá chi phí tránh được năm 2021” trong đó có một số nội dung EVN đề xuất chưa phù hợp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang phát điện.

Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của bên mua và bên bán được quy định tại Hợp đồng mua bán điện theo nội dung Hợp đồng mẫu của Thông tư 32/2014/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị một số nội dung tại Văn bản số 8608/EVN-TTĐ ngày 30/12/2012 và 42/EVN-TTĐ ngày 05/01/2021, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực quan tâm và giải quyết, cụ thể như sau:

1/ Về số giờ tính giá cao điểm trong mùa khô:

Giữ nguyên thực hiện tính 5 giờ/ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần trong 8 tháng mùa khô theo đúng nội dung quy định tại Thông tư 32/2014/TT-BCT và Thông tư 29/2019/TT-BCT để đảm bảo tính ổn định và nhất quán về Pháp luật đầu tư.

Nếu theo đề xuất của EVN, về việc không áp dụng khung giờ cao điểm trong các ngày thứ 7 (là 35 ngày/8 tháng) và các ngày nghỉ lễ chính thức trong năm (9 ngày) thì cần bổ sung thêm 2 tháng mùa khô (22 ngày/tháng) vào các tháng 9 và tháng 10 để đảm bảo tổng số giờ cao điểm mùa khô/năm.

2/ Khung giờ cao điểm áp dụng cho thủy điện vừa và nhỏ:

Giữ nguyên khung giờ cao điểm từ 17h00 đến 20h00 theo quy định trong Thông tư 32/2014/TT-BCT và Thông tư 29/2019/TT-BCT.

Xem xét thay đổi giờ cao điểm áp dụng cho thủy điện vừa và nhỏ (từ 9h30 đến 11h30) theo quy định hiện tại, sang khung giờ 6h00 đến 8h00 để phù hợp hơn với biểu đồ phụ tải Hệ thống điện Quốc gia trong giai đoạn 2021 và các năm tiếp theo do xu thế phát triển của hệ thống điện mặt trời trong nước.

3/ Về biểu giá chi phí tránh được năm 2021:

Tính toán Biểu giá chi phí tránh được năm 2021 được tuân thủ theo đúng nội dung Thông tư 29/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 đảm bảo quyền lợi bên mua và bên bán (theo bảng tính Chi phí tránh được năm 2021 do EVN tính toán tại Văn bản số 42/EVN-TTĐ ngày 05/01/2021).

Thực tế trong 12 năm qua, kể từ khi áp dụng Biểu giá chi phí tránh được (từ 01/01/2009 đến hết năm 2020) thì chỉ số CPI đã tăng đến 95% dẫn đến chi phí đầu tư cho thuỷ điện vừa và nhỏ tăng tương ứng, giá bán điện thương phẩm bình quân của EVN cũng tăng tới 96,6% (từ 948,5 đồng lên 1864,5 đồng) trong khi giá mua điện chỉ tăng 36% (từ 810 đồng lên 1.110 đồng) thì việc tăng giá mua điện năm 2021 thêm 13,6% (khoảng 5,43 cent) cho các nhà đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ cũng chưa tương xứng, nên việc chấp thuận các đề xuất trên là vô cùng cần thiết, tránh cho các nhà đầu tư thua lỗ và gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, giúp cho các nhà đầu tư an tâm, tiếp tục đầu tư các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ còn lại khoảng 2.500 MW (theo Báo cáo Hội thảo quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương tháng 7/2020), sẽ giảm sản lượng thuỷ điện EVN phải nhập khẩu giá cao từ Lào và Trung Quốc (6,86 cent/kWh).

Một thực tế là hiện nay đều là nguồn năng lượng tái tạo nhưng thủy điện vừa và nhỏ đang là nguồn năng lượng có giá mua thấp hơn rất nhiều so với năng lượng mặt trời, trong khi đó thời gian đầu tư lâu hơn, suất đầu tư cao hơn, đây là điều rất không công bằng cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực xem xét chấp thuận các nội dung trên để tính toán Biểu giá chi phí tránh được năm 2021 và các năm tiếp theo cho các chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ nhằm hài hòa quyền và lợi ích các bên tham gia thị trường điện Việt Nam, phù hợp với đường lối chỉ đạo của Đảng và các quy định của Nhà nước./.

VP HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội