Như Lao Động đã thông tin, thời gian qua, dư luận phản ánh nhiều bất cập, tiềm ẩn gian dối trong các cuộc thi học sinh sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Có hiện tượng sao chép ý tưởng và nhờ người thực hiện dự án để cho học sinh tham gia dự thi, hầu hết các dự án đạt giải không có khả năng ứng dụng, nhiều đề tài quá tầm, quá sức đối với học sinh phổ thông như giải pháp điều trị bệnh ung thư, chế tạo robot, dược phẩm, thuốc trừ sâu...
TS Nguyễn Văn Khải, nhà khoa học có nhiều sáng chế có giá trị thực tiễn cao, đã lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng như Bộ GDĐT - Bộ Khoa học và Công nghệ... xem xét bãi bỏ cuộc thi khoa học kĩ thuật vì tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Ngày 20.1, trao đổi với phóng viên Lao Động, TS Nguyễn Văn Khải cho biết: “Tôi đã từng hướng dẫn, cố vấn nhiều đề tài dự thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, nên tôi nắm vấn đề rất rõ”.
TS Khải kể, vào năm 2014, ông hướng dẫn các học sinh một tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện đề tài trồng rau cải mèo bằng đèn led và nước Anolyte KT, kết quả năng suất (khối lượng) tăng lên gấp 4 lần và bảo quản được rau trong vòng 21 ngày.
Ngày 15.1.2015, dự án nói trên tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh cấp tỉnh. Tại buổi chấm thi hôm đó, khi học sinh trình bày nhờ áp dụng kỹ thuật mới, khối lượng rau cải mèo đã tăng lên 4 lần so với cách trồng truyền thống, một giám khảo hỏi học sinh là: “Các em có cân cả rễ lên không?”.
Hôm đó, TS Nguyễn Văn Khải tham dự chấm thi với tư cách là người dự thính. Ông trả lời hộ học sinh là: “Người dân miền núi thu hoạch, bán cải không cân rễ”.
Một giám khảo khác hỏi: “Vậy thắp đèn cả đêm thế, cải có bị chết ngạt không?”. TS Nguyễn Văn Khải đáp: “Anh cứ xem cây trước cơ quan, công sở, đèn đường thắp cả đêm, có cây nào bị chết ngạt đâu”. Cho rằng TS. Khải vi phạm quy định, vị giám khảo kia "mời" ông ra khỏi hội trường.
“Đây là lần đầu tiên, và là lần duy nhất, tôi bị đuổi ra khỏi hội trường một cuộc chấm thi khoa học kỹ thuật” – TS Nguyễn Văn Khải nói.
Ông cho biết, đề tài đó ông đóng vai trò hướng dẫn, học sinh thực hiện. Đến nay, giải pháp nói trên đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nơi. Tuy nhiên, dự án này chỉ đạt giải Ba tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.
TS Nguyễn Văn Khải cũng kể chuyện khá bi hài là tại cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh tổ chức tại Hà Nội, ông hướng dẫn học sinh thực hiện dự án lắp bóng đèn học đường bảo đảm độ sáng ổn định, khử mùi, khử khuẩn (hiện nay đã có trên thị trường).
Trong buổi chấm thi, có một số giám khảo người trong nước và nước ngoài, họ hỏi một số khái niệm chuyên môn như “quang trở”, “từ trường xoáy”..., TS Nguyễn Văn Khải đã giải thích cặn kẽ, mà giám khảo vẫn không hiểu.
Kết quả, dự án này chỉ đạt giải Ba.
TS Nguyễn Văn Khải có tổng kết khá hài hước là các sản phẩm, dự án dự thi ông hướng dẫn học sinh làm, vừa sức, thiết thực, sau thành sản phẩm ra thị trường, thì chỉ được giải Ba, giải “vớt”; trong khi một số dự án có tính chất “siêu nhân” như phương pháp điều trị ung thư, robot... không có khả năng ứng dụng lại được giải cao, đi dự thi quốc tế.