Cần đánh giá vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững Ảnh: ITN
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nền kinh tế văn hóa ở Việt Nam: Những thách thức và cơ hội” do CLB Nhà khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) chủ trì, vừa diễn ra tại Hà Nội, việc nhận diện và đánh giá vai trò của văn hóa đã được nhiều chuyên gia tập trung phân tích.
Rộng mở tiềm năng và giá trị
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng phòng Văn hóa (Văn phòng UNESCO Hà Nội), đánh giá vai trò của văn hóa không chỉ là mối quan tâm riêng của Việt Nam mà của rất nhiều quốc gia. Trên thế giới, qua các Công ước của UNESCO và Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ ra đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững, trên các phương diện, từ sự phát triển kinh tế, xã hội và phát triển con người.
Gần đây, đóng góp của văn hóa trên phương diện kinh tế được nhắc tới nhiều, các chuyên gia cho rằng, kinh tế văn hóa ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng chưa được chỉ ra và nhận diện một cách cụ thể. Để làm được điều đó, cần có công cụ “đo lường” đóng góp của văn hóa vào GDP. Không chỉ về kinh tế, văn hóa còn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, giáo dục, di sản, truyền thông, quản trị, và bình đẳng giới. Chẳng hạn, khi người dân được thụ hưởng, tham gia vào các hoạt động văn hóa, sẽ tăng cường sự giao lưu, hiểu biết, tôn trọng giữa các nhóm người thuộc các nền văn hóa khác nhau, mức sống khác nhau… “Khi nói về văn hóa, trước kia chỉ nghĩ đến di sản, di tích, lễ hội, đền đài, nhưng nếu nhìn ở phương diện rộng hơn, đặc biệt khi có Công ước 2005 thì văn hóa không chỉ là những gì xưa cũ, mà rất năng động. Đây là nguồn lực khổng lồ của phát triển dịch vụ, sản phẩm mới để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của con người. Từ phim ảnh, xuất bản, ẩm thực cho tới âm nhạc, thiết kế, sáng tạo như thời trang, kiến trúc..., chúng ta thấy cả chân trời về tiềm năng và sự đóng góp của văn hóa trong phát triển kinh tế và xã hội hiện đại”, bà Hường chia sẻ.
Tuy nhiên, việc chưa có hệ thống dữ liệu, công cụ khoa học để có thể lượng hóa thì khó có thể chỉ ra được những đóng góp và tác động tích cực của văn hóa trong phát triển, khiến cho nhiều người đang “cảm thấy” là văn hóa quan trọng nhưng chưa thấy rõ, chứng minh được thực chất đóng góp ấy cụ thể ra sao. Điều này đã tác động phần nào đến nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng văn hóa là động lực của phát triển bền vững, chưa quan tâm dành nguồn lực cho văn hóa. Hoặc có dành nguồn lực nhưng lại không đúng trọng tâm, không thực sự “khớp” với nhu cầu của cộng đồng.
Hòa hợp văn hóa và kinh tế
TS Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQG Hà Nội cho rằng, xã hội hiện đại thường dùng thước đo tăng trưởng kinh tế, và cho đấy là mục đích tối thượng, hoặc ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ, năm nay sản xuất 1 tỉ đồng tiền điện thì đốt bao nhiêu than, bao nhiêu giờ lao động, phấn đấu năm sau gấp đôi lên, mọi thứ cũng sẽ nhân lên. Nhưng vẫn còn có cách thứ hai là tổ chức cuộc sống như thế nào để chỉ dùng một nửa số điện ấy, đốt ít than, giảm giờ lao động, đỡ ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe con người, cuộc sống nhẹ nhõm hơn... Nên kinh tế không phải là chính, mà cần có cách tiếp cận khác nữa, dựa trên sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, kinh tế và văn hóa.
Nhiều lĩnh vực, ngay cả với ngành văn hóa đang được đo sự tăng trưởng bằng doanh thu. Tuy nhiên, điều này cũng không tránh khỏi những bất cập. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, văn hóa nghệ thuật là thứ không thể đem ra tính toán cụ thể định lượng về kinh tế, doanh thu bao nhiêu. Trong khi bên ngoài cánh cửa ấy, công chúng đang mặc định, đang đánh giá những sản phẩm tốt và hay là sản phẩm đạt được doanh thu khủng. Bà Điệp cho rằng, khi có định tính, tính lượng thì nhiều thứ được rõ ràng hơn, nhưng cùng lúc đó nhiều “cánh cửa” bị co hẹp lại. Con số hay bài toán kinh tế thì rất dễ tính nhưng nhiều thứ khác thì không. Do đó, chúng ta cần cân bằng yếu tố văn hóa nghệ thuật và kinh tế. Mọi thứ đều có sự kết nối và mở rộng, giao thoa lẫn nhau.
Còn theo PGS Trần Thị An, Khoa Các khoa học liên ngành (ĐHQGHN), đo lường văn hóa đóng góp bao nhiêu cho GDP đang là xu thế không thể tránh khỏi, nhưng bên cạnh đó cần có các tiêu chí định tính, như gắn với yếu tố bản sắc, nhân văn, hạnh phúc... Nhiều ví dụ đã được chỉ ra, các thực hành văn hóa, nghệ thuật dân gian được bảo tồn không phải chỉ để diễn phục vụ khách tham quan, mà trước hết phải phục vụ đời sống cộng đồng bản địa, gìn giữ bản sắc; hoặc nếu chỉ các ngành nghệ thuật biểu diễn, bán vé được mới có thể phát triển thì có những ngành nghệ thuật không chạy theo cơ chế thị trường có nguy cơ mai một... Thực tế cho thấy, việc phát triển một nền kinh tế văn hóa nóng vội và nếu chỉ quan tâm đến tiền thì e rằng tương lai chúng ta không thể giải quyết được hết rủi ro hay hậu quả của nó. Việc văn hóa mang lại hiệu quả cho kinh tế cũng sẽ kích thích đầu tư trở lại nhiều hơn cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, đẩy mạnh công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đất nước có nền văn hiến lâu đời; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam… Do đó cần nghiên cứu đẩy mạnh công nghiệp văn hóa.
PGS. TS Trần Thị Thanh Tú, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) nhấn mạnh, những người làm văn hóa cần coi kinh tế là công cụ để thực hiện mục tiêu tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, giá trị nhân văn kết nối con người. Nếu sử dụng hài hòa phương tiện này, có thể đạt được hiệu quả tối đa cho ngành văn hóa, mang lại đóng góp cả về mặt xã hội và kinh tế.
Việc chưa có hệ thống dữ liệu, công cụ khoa học để có thể lượng hóa thì khó có thể chỉ ra được những đóng góp và tác động tích cực của văn hóa trong phát triển, khiến cho nhiều người đang “cảm thấy” là văn hóa quan trọng nhưng chưa thấy rõ, chứng minh được thực chất đóng góp ấy cụ thể ra sao. Điều này đã tác động phần nào đến nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng văn hóa là động lực của phát triển bền vững, chưa quan tâm dành nguồn lực cho văn hóa. |
NGUYỄN NGA