Đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL tại chùa Hương
Qua kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và BQL di tích, BTC lễ hội Chùa Hương. Mùa lễ hội năm 2021 được kỳ vọng sẽ diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, an toàn, tuy nhiên các phương án sẵn sàng ứng phó nếu đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại cũng đã được “lên khuôn”.
Điểm đến an toàn
Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang chia sẻ, năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh Covid 19 có khả năng diễn biến phức tạp, ngay từ sớm, chính quyền địa phương đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Chùa Hương theo tinh thần sát thực tế, không lơ là, công tác phòng chống dịch bệnh được đảm bảo tối đa. “Các phương án cụ thể đã được đưa vào kế hoạch, với những tình huống kèm theo giải pháp ứng phó. Sự chủ động này sẽ giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong bối cảnh đặc thù không ai mong muốn này”, ông Trang nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, Lễ hội Chùa Hương năm 2021 sẽ được tổ chức với chủ đề “Chùa Hương - điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện”. Trong bối cảnh đặc thù, công tác tổ chức sẽ bám sát diễn biến thực tế, thực hiện nghiêm Nghị định 110 của Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, cùng các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội. Thời gian tổ chức từ ngày 13.2 đến hết ngày 5.5.2021 (mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 24.3 năm Tân Sửu). Khai hội ngày 17.2, tức ngày 6 tháng Giêng. Đến nay, BTC đã ra quyết định thành lập 7 tiểu ban, 3 tổ kiểm tra liên ngành và trạm kiểm tra vé thắng cảnh bến Thiên Trù.
Đặc biệt, nhằm tập trung vào mục tiêu xây dựng điểm đến an toàn, công tác chỉ đạo, tổ chức lễ hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 đã được BTC lễ hội, BQL di tích xây dựng kế hoạch chi tiết, với các phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh song song với việc tổ chức lễ hội. “Bên cạnh công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội nếu tình hình ổn định, dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng, BTC lễ hội đã chuẩn bị sẵn sàng việc ứng phó nếu dịch Covid- 19 bùng phát trở lại, với 3 tình huống cụ thể: tình huống không thực hiện giãn cách xã hội, tình huống thực hiện giãn cách xã hội và tình huống tạm dừng hoạt động lễ hội”, ông Nguyễn Bá Hiển cho biết.
Theo đó, trong tình huống không thực hiện giãn cách xã hội, BTC lễ hội tiếp tục đón tiếp du khách nhưng tăng cường phòng, chống dịch, tránh tập trung đông người; tăng cường hoạt động kiểm soát việc chấp hành kiểm tra thân nhiệt tại các chốt, trực; yêu cầu du khách bắt buộc đeo khẩu trang khi lên đò và tham gia các hoạt động.
Trong tình huống thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Cụ thể, tổ chức khai hội theo tinh thần giảm về nội dung, thời gian tổ chức; chủ động thực hiện kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó với các cấp độ dịch bệnh...
Tình huống tạm dừng lễ hội, BTC lễ hội chủ động tuyên truyền, thông báo thực hiện việc tạm dừng mọi hoạt động theo quy định tại Nghị định 110; tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm. Đồng thời, thành lập các chốt tại các cổng, bến, trạm thông báo về việc tạm dừng đón khách...
“Trong bất kỳ tình huống nào, việc đảm bảo an toàn cho du khách được đặt lên hàng đầu. Hiện nay BQL di tích, BTC lễ hội đã cho lắp đặt gần 40 biển tuyên truyền cổ động trực quan dọc hai bên bờ suối Yến với nội dung tăng cường phòng chống dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cũng đã được lên kế hoạch sẵn sàng”, ông Hiển cho biết thêm.
Hệ thống pano về phòng chống dịch được lắp đặt dọc hai bên bờ suối Yến
Cần tiếp tục tinh thần chủ động, quyết liệt
Ông Nguyễn Quốc Huy (Trưởng phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở) nhận định, công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội Xuân Tân Sửu 2021 tại chùa Hương đã sớm được triển khai với tinh thần chủ động và quyết liệt. Nhiều nét mới cho thấy quyết tâm của BTC lễ hội nhằm mang đến một mùa lễ hội thực sự an toàn, văn minh.
Ông Huy lưu ý, trong các phương án phòng chống dịch, BTC lễ hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các nội dung quyết liệt, cụ thể. Chẳng hạn như du khách không đeo khẩu trang thì không được lên đò; hoặc có các chế tài xử lý mạnh tay đối với các hành vi ảnh hưởng đến nét đẹp văn minh tại lễ hội như xả rác bừa bãi, đánh bạc trên đò...
Đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt trong xây dựng các phương án ứng phó với dịch bệnh song song với các nội dung chuẩn bị công tác tổ chức lễ hội, ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, kế hoạch tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2021 đã được xây dựng bám sát thực tiễn, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ VHTTDL và TP Hà Nội. Theo ông Lương Đức Thắng, kế hoạch tổ chức lễ hội Chùa Hương 2021 đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và sự vào cuộc của từng tổ chức, người dân.
Phó Cục trưởng cũng ghi nhận, nhằm đặt tiêu chí tổ chức lễ hội an toàn lên hàng đầu, BTC lễ hội Chùa Hương đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền đối với nhân dân và du khách. Cụ thể như hệ thống pano cổ động trực quan về phòng chống dịch, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội... được lắp đặt dọc hai bờ suối Yến. Thời gian lễ hội đang đến gần, công tác tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh, với nhiều nội dung về phòng chống dịch, thực hiện nếp sống văn minh, đẩy lùi tiêu cực trong lễ hội như các hành vi đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, xả rác bừa bãi, bán thịt thú rừng, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan...
“Cần phải tuyên truyền đến từng cá thể, sao cho mỗi người chèo đò, người bán hàng đều là một tuyên truyền viên tích cực. Có như vậy thì mỗi nội dung về tổ chức lễ hội, phòng chống dịch mới được triển khai nghiêm túc, không hình thức. Đặc biệt, cần quyết liệt xử lý các hành vi như không đeo khẩu trang khi tham gia hoạt động lễ hội, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội... Nếu không quyết liệt thì sẽ không có tính răn đe...”, Phó Cục trưởng Lương Đức Thắng phát biểu.
PHƯƠNG ANH