Chứng khoán đỏ sàn, nhà đầu tư tím mặt


Kinhtedothi - Phiên giao dịch ngày 19/1 chứng kiến tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) khi VN-Index có thời điểm rơi sâu hơn 75 điểm sau thời gian thăng hoa. Tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục diễn ra. Hàng loạt lệnh mua - bán đổ xô cùng thời điểm.
Thị trường hoảng loạn
Sau phiên sáng giảm gần 75 điểm, mở cửa phiên chiều 19/1, thị trường chứng khoán tiếp tục đón nhận giao dịch nhanh của nhà đầu tư. Dù có vẻ bình tĩnh hơn và không còn hành động kiểu hoảng loạn nhưng kết thúc phiên, VN-Index vẫn giảm 60,94 điểm (-5,11%) xuống 1.131 điểm. Toàn sàn có 44 mã tăng, 437 mã giảm và 19 mã đứng giá. HNX-Index giảm 6,48 điểm (-2,81%) xuống 224,02 điểm. Toàn sàn có 48 mã tăng, 175 mã giảm và 39 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,4 điểm (-3,06%) xuống 76,15 điểm.

Thanh khoản thị trường có sự cải thiện hơn với khối lượng giao dịch đạt 1,35 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 25.510 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh lập kỷ lục và lên đến 22.725 tỷ đồng (990 triệu USD). Một loạt cổ phiếu ngân hàng như: CTG, ACB, NVB, HDB, BID, MBB, VPB, STB tiếp tục giảm sàn.
 Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán SJC. Ảnh: Hoàng Triều
Trước đó, tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 74,71 điểm (-6,27%) xuống 1.117,23 điểm. Toàn sàn chỉ có 38 mã tăng, trong khi có đến 444 mã giảm và 13 mã đứng giá. HNX-Index giảm 8,4 điểm (-3,64%) xuống 222,1 điểm. Toàn sàn có 32 mã tăng, 187 mã giảm và 26 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 3,86 điểm (-4,91%) xuống 74,69 điểm.

Trong bản tin cập nhật thị trường, Công ty Chứng khoán MBS cho biết, việc nhiều cổ phiếu trong VN30 giảm sàn là một tín hiệu xấu. Mức giảm 6,27% trong phiên sáng 19/1 với nền giảm dài và bẻ gãy xu hướng tăng kéo dài kể từ đầu tháng 8/2020. Diễn biến này đa phần do áp lực chốt lời mạnh của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng margin cao và giá cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua.

Sẽ sớm hồi phục?

Như một số phiên có nhiều biến động gần đây, tình trạng nghẽn mạng lại diễn ra. Mở cửa phiên chiều khoảng 30 phút, sàn HoSE lại rơi vào trạng thái nghẽn lệnh.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn thừa nhận, hệ thống HoSE thời gian qua quá tải, nhiều nhà đầu tư không đưa được lệnh vào hệ thống. Ủy ban Chứng khoán cùng HOSE, HNX, VSD họp với nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, việc nâng lô chẵn giao dịch từ 10 lên 100 là giải pháp theo chuẩn mực quốc tế nhưng thực hiện sớm hơn kế hoạch. “Tuy nhiên, việc nâng lô thì giúp giãn một phần lệnh nhưng chưa giải quyết được triệt để, hiện tượng nghẽn lệnh sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tời. UBCKNN yêu cầu HoSE có nhiều giải pháp như tư vấn nhà đầu tư đặt 2 - 3 bước giá, không xẻ lệnh. Công ty chứng khoán không sử dụng và không tư vấn cho nhà đầu tư sử dụng robot”- người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán cho hay.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có một số giải pháp khác nhưng phải kiểm thử trên hệ thống. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng tính tới một số giải pháp hành chính nhưng rất hạn chế vì mục tiêu là thị trường chứng khoán giao dịch liên tục.

Theo các chuyên gia MBS, áp lực tăng bán bị nghẽn do lệnh vào sàn tiếp tục gặp trục trặc giống phiên ngày 24/12. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà đầu tư đã lãi nhiều và sử dụng margin lớn nên lực bán quyết liệt bằng mọi giá.

MBS cho rằng, sau phiên 19/1, tín hiệu xấu tạm thời về xu hướng sẽ khiến thị trường mất thời gian ổn định và phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ 1.033 – 1.064 điểm và có thể sớm xuất hiện nhịp hồi phục mạnh trở lại ở vùng điểm này. Thông thường, về diễn biến giảm nhanh và mạnh thường sẽ không kéo dài mà chỉ trong 1 - 2 phiên giao dịch. Các cổ phiếu bị bán sàn sẽ sớm phục hồi ngay sau khi giao dịch ổn định trở lại.

MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên đưa tỷ trọng cổ phiếu và tiền về mức an toàn. Có thể xem xét mua trở lại tại các vùng hỗ trợ dự kiến từ 1.033 – 1.064 điểm. Tuy nhiên, khi tâm lý ngắn hạn ảnh hưởng, nhà đầu tư cũng cần quản lý chặt danh mục, thực hiện cắt lỗ chốt lời theo kỷ luật.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội