UBND Huyện Cát Hải Thành phố Hải Phòng
Huyện Cát Hải được thành lập năm 1977 trên cơ sở hợp nhất 2 huyện đảo Cát Bà và Cát Hải cũ. Địa bàn huyện Cát Hải ngày nay vốn là một đơn vị hành chính được thành lập vào loại xưa nhất của thành phố Hải Phòng. Theo các sách chí cũ, thời Bắc Thuộc là huyện Ân Phong (có sách chép là Tư Phong, chữ Ân và chữ Tư giống mặt chữ, có thể do khắc hoặc viết nhầm) thuộc Nham Châu. Sau huyện Ân Phong đổi ra là Chi Phong (chữ Chi có nghĩa là chi, phái). Thời thuộc Minh, huyện Chi Phong lệ vào phủ Tân Yên và phủ lỵ, phủ Tân Yên có lúc đặt ở xã Hoà Hy của huyện này. Đến thời Lê Sơ, đổi là Chi Phong (chữ “Chi” có nghĩa là cỏ lệ chi) cho lệ vào phủ Hải Đông, sau lại đổi tên huyện Chi Phong thành Hoa Phong.
Thời Tây Sơn, huyện Hoa Phong thuộc phủ Hải Đông trấn Yên Quảng (còn gọi là An Quảng). Trước năm 1813, huyện Hoa Phong gồm 2 tổng với 15 xã, phường là tổng An Khoái (sau đổi Đôn Lương) trên đảo Cát Hải và tổng Hà Liên (sau đổi Hà Sen) trên đảo Cát Bà. Tổng An Khoái tương ứng với phần đất của toàn bộ xã Đồng Bài, một phần xã Gia Lộc, toàn bộ thị trấn Cát Bà, xã Hoàng Châu, xã Nghĩa Lộ, xã Văn Phong trên đảo Cát Hải ngày nay, gồm 10 xã, phường cũ là: An Khoái, An Phong, Đồng Bài, Hoà Hy, Hoàng Châu, Lục Độ, Lương Lãnh, Thiên Lộc, Văn Minh và phường Cao Mại. Sau đổi An Phong thành phong Niên, Cao Mại thành Cao Minh, Lương Lãnh thành Lương Năng, Thiên Lộc thành Gia Lộc. Tổng Hà Liên bao gồm phần đất tương ứng với các xã Trân Châu, Gia Luận, Phù Long, Xuân Đám, Hiền Hào và thị trấn Cát Bà trên đảo Cát Bà ngày nay, gồm 5 xã cũ là: Chân Châu (sau đổi thành Trân Châu). Đường Hào (sau đổi thành Hiền Hào), Xuân Áng (sau đổi thành Xuân Đám), Phù Long, Gia Luận. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), cắt tổng Vân Hải của châu Vân Đồn cho lệ vào huyện Hoa Phong (tên cũ của huyện Cát Hải ngày nay), sau tổng Vân Hải lại bị cắt trả về châu Vân Đồn như cũ. Năm Thiệu Trị thứ I (1840), huyện Nghiêu Phong được thành lập, về cơ bản vẫn là huyện Hoa Phong cũ. Đời Tự Đức, huyện Nghiêu Phong lệ vào phủ Sơn Định, tỉnh Quảng Yên. Thời Pháp thuộc, đổi huyện Nghiêu Phong thành huyện Cát Hải, vẫn thuộc tỉnh Quảng Yên như cũ. Lúc này, huyện Cát Hải gồm 2 tổng Đôn Lương và Hà Sen, tổng Đông Lương có 10 xã va ftổng Hà Sen có 5 xã và phố Các Bà.
Địa danh Cát Bà còn có nhiều ý kiến khác nhau. Bản đồ năm 1938 còn ghi Các Bà, sau có lẽ bị đọc chệch thành Cát Bà. Tương truyền, quần đảo bày vốn là nơi các bà, các mẹ và chị em phụ nữ lo chuẩn bị lương thảo giúp các chiến binh đánh đuổi giặc Ân. Bởi thế, nên hòn đảo nơi các chiến binh đóng đại bản doanh tiền phương được gọi là Các Ông và đoả hậu phương của các bà, các mẹ, các chị được mang danh là Các Bà. Các bậc cai niên cũng kể lại rằng tên Các Bà bắt nguồn từ một sự tích hiện còn lưu truyền. Ngày xửa ngày xưa, không rõ là thời kì nào, có xã hai nữ thần chết trẻ không biết từ đâu trôi dạt vào bờ đảo và lập tức bị mối xông thành mộ. Ngay đêm ấy, các thần nữ hiển linh báo mộng cho các vị chức sắc và dân chúng trên đảo biết về sự lih ứng của mình. Dân chúng bèn đóng góp tiền của lập miếu thờ hai thần nữ ngay bên hai nấm mộ thiêng này, gọi là miếu Các Bà. Các nữ thần đã nhiều lần hiển linh âm phù ngư dân trên đảo thoát khỏi các dịch bệnh, tai nạn trên biển và đánh đuổi cướp biển, giặc ngoại xâm. Để tri ân và muốn biểu dương uy linh của các nữ thần, nhân dân bèn lấy tên Các Bà đặt tên cho quần đảo. Hiện trên đảo còn nghè thờ Các Bà ở thị trân sCát Bà và một số làng trên đoả. Sau năm 1945, huyện Cát Hải và thị xã Cát Bà thuộc tỉnh Quảng Yên, đến ngày 5-6-1956, cả hai đơn vị hành chính này được sát nhập vào thành phố Hải phòng. Ngày 22-7-1957, thành lập huyện Cát Bà, bao gồm thị xã Cát Bà cũ và 5 xã Trân Châu, Việt Hải, Xuân Đám, Hiền Hào và Gia Luận, thị xã Cát Bà đổi thành thị trấn Cát Bà thuộc huyện Cát Bà. NGày 11-3-1977, huyện Cát Bà sát nhập với huyện Cát Hải thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là huyện Cát Hải. Ngày 13-3-1979, giải thể xã Cao Minh, huyện Cát Hải còn 11 xã. Ngày 23-4-1988, thành lập thị trấn Cát Bà, giải thể xã Hoà Quang và xã Gia Lộc để thành lập thị trấn Cát Hải.
Huyện đảo Cát Hải hiện có 10 xã và 2 thị trấn. Ngoài cư dân bản địa, dân Cát Hải là người cộng đồng muôn phương, thạo nghề sông nước như Thái Binh, Nam Đinh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Quảng Ninh… Bên cạnh cư dân gốc Việt là cơ bản, trước đây còn có khá đông người Hoa sinh sống. Họ từ mọi miền và các tỉnh ven biển của Trung Quốc đến định cư tại Cát Bà. Sau “sự kiện người Hoa” năm 1978, hau fhết người Hoa rời đảo ra đi. Để phân bố lại lực lượng trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và bảo vệ đảo, một bộ phận cư dân Đồ Sơn, Tiên Lãng, An Lão được bổ sung cho huyện đảo Cát Hải, nhân dân xã Cao Minh bên Cát Hải được bố trí chuyển cư hẳn sang Cát Bà, do đặc điểm địa hình, nên việc phân bố dân cư của huyện không đồng đều, có nơi dân sống tập trung như thị trấn Cát Bà, thị trấn Cát Hải, xã Nghĩa Lộ; có nơi dân cư sống thưa thớt, biệt lập như Gia Luận, Việt Hải.
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.