Mỹ lần đầu tiên chính thức tuyên bố có "đảo chính" ở Myanmar, ngay lập tức giáng đòn trừng phạt


Trước đó, quân đội Myanmar cũng chịu trừng phạt của Mỹ vì chiến dịch đẫm máu nhằm vào người thiểu số Rohingya.

Ngày 2/2, Washington đã chính thức tuyên bố chính biến ở Myanmar là cuộc "đảo chính", qua đó chấm dứt viện trợ của Mỹ đối với chính phủ nước này.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng tình hình và các diễn biến lớn, chúng tôi cho rằng bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo của đảng cầm quyền Burma, và Win Myint, tổng thống được bầu hợp pháp của chính phủ, đã bị tước quyền trong một vụ đảo chính quân sự".

"Chúng tôi kêu gọi những người đứng đầu lực lượng quân đội của Burma thả hai nhân vật nói trên, thả tất cả những quan chức bị bắt giữ và các lãnh đạo chính trị khác ngay lập tức và vô điều kiện".

Theo luật Mỹ, Mỹ sẽ ngừng trợ cấp tài chính cho chính phủ Myanmar. Tuy nhiên, hiệu lực của lệnh này sẽ chỉ mang tính biểu tượng bởi gần như tất cả trợ cấp tại Myanmar đều được gửi thông qua các kênh phi chính phủ.

Khi được hỏi có bao nhiêu tiền được đưa tới chính phủ Myanmar, một quan chức giấu tên nói: "Rất ít - gần như không có bao nhiêu".

Quân đội Myanmar cũng chịu trừng phạt của Mỹ vì chiến dịch đẫm máu nhằm vào người thiểu số Rohingya.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ tiếp tục duy trì các chương trình viện trợ nhân đạo, bao gồm cho người Rohingya, nhưng cũng sẽ "đánh giá toàn diện lại trợ cấp" cho Myanmar.

Trong một tuyên bố cứng rắn ngày 1/2, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ cân nhắc tái áp dụng cấm vận đối với Myanmar, vốn đã được gỡ bỏ trong giai đoạn chuyển giao sang chế độ dân chủ.

Từ năm 2012 tới nay, Washington đã trợ cấp cho Myanmar 1,5 tỉ USD để ủng hộ nền dân chủ, cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bạo lực và để ủng hộ hòa bình nội bộ.

Các quan chức cho biết Mỹ đã không liên lạc với các lãnh đạo dân sự lẫn lãnh đạo quân đội kể từ sau vụ đảo chính.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn "đang đối thoại hàng ngày" đối với Nhật Bản và Ấn Độ - những đồng minh thân cận "có liên lạc chặt chẽ với quân đội Myanmar hơn là Mỹ".

Nhật Bản và Ấn Độ đều mong muốn trở thành đối tác chính của Myanmar, thay thế vai trò của Trung Quốc tại nước này.

Vài ngày trước vụ đảo chính, Ấn Độ đã gửi 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 cho Myanmar.

Trong bình luận công khai của tướng Min Augn Hlaing sau khi cuộc chính biến xảy ra, ông nói việc quân đội tiếp quản là "phù hợp với luật pháp" do chính phủ không phản hồi những bất bình của họ về gian lận bầu cử.

"Đây là điều không thể tránh khỏi và đó là lý do tại sao chúng tôi phải chọn làm như vậy," ông nói trong cuộc họp nội các đầu tiên của mình.

Bài liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội